Chủ tịch Tập đoàn Intimex: “Không tiền chẳng thể làm được gì nhất là trong kinh doanh”

Doanh nhân Đỗ Hà Nam trò chuyện cùng Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE trong ngày làm việc đầu tiên của năm Tân Sửu 2021.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Intimex Group
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Intimex Group
Xuất phát điểm từ một chi nhánh nhỏ trực thuộc Bộ Thương Mại, năm 2006, Công ty CP Tập đoàn Intimex được cổ phần hóa và tập trung vào lĩnh vực nông sản, nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Đến năm 2012 đẩy mạnh xuất khẩu gạo và đứng trong top 5 doanh nghiệp lớn của Việt Nam. 
Năm 2020 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, lượng cà phê robusta xuất khẩu của Intimex giảm 20% so với 2019, đạt hơn 400.000 tấn nhưng vẫn chiếm vị trí số 1. Đối với xuất khẩu gạo giữ vị trí số 2 với hơn 511 ngàn tấn gạo, trong đó đa phần là gạo trắng, nếp và gạo thơm.
Năm 2011 công ty được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2016 nhận Huân chương Lao động hạng nhì và đang được xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất. 
Nhân ngày đầu làm việc của năm Tân Sửu 2021, Nhịp sống Doanh nghiệp BizLIVE đã có buổi trò chuyện với Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Intimex Group Đỗ Hà Nam về quá trình hình thành và phát triển của công ty với nhiều cung bậc cảm xúc.  
Từ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các loại nông sản, tại sao Intimex lại chuyển hướng sang xuất khẩu gạo?
Trước đây, khi xuất khẩu tiêu, điều, cà phê thỉnh thoảng Intimex có bán một ít gạo chất lượng cao cho các khách hàng quen khi họ cần. Trong quá trình hoạt động kinh doanh tôi đã gặp đối tác là những tập đoàn kinh doanh nông sản lớn thế giới, như Olam, Louis … chính họ đã cho tôi hình mẫu để học, và tôi luôn tự hỏi: 
“Các sản phẩm nông sản này là của nước mình, các công ty đa quốc gia đến làm ăn được trong khi mình sinh ra và lớn lên ở đây tại sao mình không làm?”.
Đến năm 2012, Intimex chính thức tham gia mảng gạo. Thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn vất vả. Tất cả những khó khăn vất vả này đến từ thị trường, khách hàng, kinh nghiệm thu mua và khâu chế bị biến hao hụt nhiều nên dẫn đến thua lỗ ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh của công ty. 
Song, khó khăn lớn nhất của Intimex là đi lên từ hai bàn tay trắng, nên phải ưu tiên đầu tư những gì mình có lợi thế, trước đây Intimex tập trung đầu tư mảng cafe, đến năm 2011 đã đứng đầu ngành.  
Theo Nghị định 109 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải đầu tư thực tế vào các địa phương chứ không cho tham gia mua bán thuần túy, Intimex nhận ra rằng nếu áp dụng cách làm bên ngành cà phê vào ngành gạo thì lợi thế của công ty sẽ rất lớn.
Lúc đó xuất khẩu gạo chủ yếu đến từ các hợp đồng Chính phủ nên các hợp đồng thương mại không mạnh, trong khi hợp đồng thương mại là lợi thế của Intimex và cũng là “ngách” mà các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, tôi nhận ra đây chính là cơ hội mà cũng cách để công ty giải quyết 3 việc: Tận dụng nguồn tài chính tốt. Tận dụng được các đối tác nước ngoài là những khách hàng lớn, và thứ ba là ở thị trường xuất khẩu gạo đang mở ra nhiều cơ hội.
Tại sao nói Intimex đi lên từ hai bàn tay trắng, ông có thể nói rõ hơn về ý này?
Khi điều động tôi vào TP.HCM cấp trên chỉ nói “công ty cần có chi nhánh Intimex tại TPHCM và muốn tôi vào đây phát triển”, nhưng khi tôi vào đến TP.HCM không có bất cứ cái gì thậm chí nhà để ở cũng không có. Chúng tôi phải đi thuê nhà và bắt đầu làm thương mại nên tôi nói bắt đầu từ hai bàn tay trắng là vậy.
Năm 2006, Bộ Thương Mại muốn thí điểm cổ phần hóa (CPH) các đơn vị trực thuộc. Lúc đó Intimex chi nhánh TPHCM xung phong xin CPH trước, cũng một lần duy nhất thôi vì sau đó Chính phủ không triển khai nữa, nhưng may mắn vì Intimex được CPH ngay lúc Chính phủ đang khuyến khích, mặc dù vốn điều lệ lúc bấy giờ chỉ có 14 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 8 tỷ đồng, giá trị thương hiệu và tài sản rất nhỏ.
Để phát triển như hôm nay, câu chuyện nào khiến ông nhớ mãi?
 Không tiền chẳng thể làm được gì nhất là trong kinh doanh, mà muốn kinh doanh lớn thì điều kiện cơ sở vật chất rất quan trọng, cộng với nguồn tài chính tốt mới có cơ hội, nhưng tôi có lợi thế là có kinh nghiệm về công tác ngoại thương và chữ tín trong làm ăn.
Thông thường, một doanh nghiệp khi có uy tín thì đối tác sẵn sàng ủng hộ bằng cách giao hàng trước lấy tiền sau, cũng có một số doanh nghiệp nước ngoài khi đó họ rất cần mình, vì họ không biết làm cách nào để có thể mua được hàng nên ứng tiền trước cho tôi. Khởi đầu của Intimex là bắt đầu từ câu chuyện như thế. 
Trong xuất quá trình hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), tôi thường xuyên làm việc với ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng lớn như Vietcombank, nhưng mỗi khi đến vay tiền họ đều nói rằng: 
“Do cấp chi nhánh nên ngân hàng không thể cho vay", và tôi thấy rằng muốn thành công phải biết sau lưng mình là ai, tức là phải biết tận dụng cơ hội. Có thể nói thời điểm đó công ty mẹ Intimex là đơn vị XNK mạnh nhất của ngành nội thương và là một doanh nghiệp rất uy tín, vì thế về mặt nào đó ngân hàng nhìn vào công ty mẹ cũng có phần vị nể. 
Thứ hai, khi ở Đà Nẵng tôi có tất cả và hoạt động rất thành công nhưng khi vào TP.HCM thì hoàn toàn trái ngược - khó khăn là vậy cho dù tôi có lợi thế về ngoại thương tốt nhưng không có tiền nên làm việc gì cũng khó, thậm chí các bạn hàng của tôi khi đàm phán thấy tên mới họ không nhiệt tình như khi đứng tên Intimex Đà Nẵng. 
Vì vậy, có nhiều lúc tôi cảm giác bất lực, trong khi mọi hoạt động dựa trên nguyên tắc phải làm ra tiền mới có lương, và mức lương của tôi lúc đó rất thấp không đủ trang trải cho cuộc sống, rồi tôi lại tự hỏi tại sao mình lại có những quyết định không bình thường như vậy?
Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra một điều: “TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước là nơi để mà các doanh nghiệp có cơ hội phát triển nếu không chọn TP.HCM sẽ không có chỗ nào khác có thể giúp tôi phát triển”. 
Vì vậy, tôi quyết định làm XNK và tôi cũng biết các ngân hàng rất thích ngoại tệ nên tôi áp dụng chính sách “ngân hàng nào có tỷ giá tốt nhất sẽ chuyển ngoại tệ vào ngân hàng đó”, và dù tài khoản của Intimex nằm ở Vietcombank nhưng không được Vietcombank cho vay nên không bao giờ tôi để ngoại tệ lại mà chuyển sang ngân hàng khác, vì không cho tôi vay nên họ không có quyền giữ lại. 
Tôi nói anh em trong công ty khi nào Vietcombank cho mình vay tiền thì mình mới có cơ hội phát triển. Lúc đó chỉ Vietcombank mới có đủ uy tín, năng lực thanh toán tài chính với các công ty nước ngoài. Muốn làm XNK thành công Intimex phải được Vietcombank cho vay tiền, nếu vậy phải biết họ cần gì và Vietcombank thì rất cần ngoại tệ”.
Sau một năm đại diện Vietcombank mời tôi lên và nói “tôi sẽ cho anh vay tiền” nhưng phải được công ty mẹ bảo lãnh vì các anh chỉ là chi nhánh. Thế là tôi nhận ra một điều ngoài sự nỗ lực và chữ tín, thành công cũng có sự ủng hộ của doanh nghiệp lớn nếu không sẽ khó phát triển.
Làm việc trải qua cả hai thời kỳ bao cấp và cơ chế thị trường, việc chuyển đổi có làm ông khó khăn?
Tôi học ngành cơ khí nông nghiệp ở Bulgary nên đầu tiên tôi làm ở Công ty Vật tư Phú Khánh thuộc Bộ Vật tư, chuyên cung ứng vật tư cho các địa phương, còn học về ngoại thương là văn bằng hai.
Được đi du học nên tôi cảm nhận được sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và tư duy theo cách nghĩ của người nước ngoài đã giúp tôi nhiều trong cách giải quyết công việc, mặc dù những suy nghĩ hơi thoáng đó có thể không hoàn toàn phù hợp với cách nghĩ lúc bấy giờ ở Việt Nam, nhưng quan trọng là cơ hội đến đâu cố gắng làm đến đó.
Thời đó Việt Nam chỉ có nông nghiệp là chiếm ưu thế và được thế giới chấp nhận, còn các mặt hàng khác như thủ công mỹ nghệ chất lượng không ổn định, các sản phẩm công nghiệp gần như không được thế giới chấp nhận.
Vì vậy, khi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường và Chính phủ ưu tiên cho xuất khẩu cách duy nhất là kinh doanh nông nghiệp, kể cả sản phẩm thô cũng rất dễ bán, vì nước ngoài mua về chế biến nên mua được giá rẻ càng thích còn người nông dân thì được đổi đời. 
Thứ hai, đặc thù của nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, khi tham gia xuất khẩu hồ tiêu chỉ trong một thời gian rất ngắn Intimex đã trở thành doanh nghiệp đứng đầu cả nước.
Thực ra Việt Nam có làm ra bao nhiêu nông sản cũng không đủ cho nhu cầu thế giới, cung không đủ cầu thì mặc nhiên ngành nông nghiệp cứ thế phát triển, vì các loại nông sản Việt Nam như: cafe, tiêu, điều, gạo … cung cấp cho cả thế giới, là những thứ thế giới có muốn bắt chước cũng không được, vậy tại sao không chọn những loại nông sản đó để kinh doanh.
Song, kinh doanh nông nghiệp rủi ro rất cao, đã có rất nhiều đồng nghiệp của tôi bị phá sản và vi phạm pháp luật, một người bạn của tôi đã từng nói “ước gì đi trên máy bay mà máy bay rớt để tôi ra đi một cách thanh thản nhất!” 
Nhìn những cảnh như thế có lúc tâm lý tôi bị chao đảo, bất an nhưng thấy vợ con lo lắng để động viên, tôi đã nói với họ: “Đã tham gia vào ngành này sẽ có rủi ro và nếu không may ngày nào đó phải đi đưa cơm thì hãy nghĩ rằng đó là chuyện bình thường”. Thực ra đó cũng là lời tôi tự động viên mình trong những lúc khó khăn nhất.
Năm 2000, khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường khiến giá cafe rớt thê thảm, chỉ còn 3.000 - 4.000 đ/kg, dưới giá thành. Đó là lúc khủng khiếp nhất trong cuộc đời làm cafe của tôi, chính điều đó giúp cho tôi mang “hoài bão” phải làm cách nào để người nông dân không phải bán dưới giá thành, nếu họ phải bán dưới giá thành thì mình cũng sẽ chết theo họ
Từ một doanh nghiệp nội thương ông quyết định làm XNK, vào thời điểm đó có coi là mạo hiểm không?
Ngày xưa tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều hay dựa vào vào “bầu sữa mẹ” với cơ chế xin - cho, vì những quota đó mang tính độc quyền có chênh lệch giá rất lớn, lúc làm ngoại thương tôi cũng tham gia vào những quota nhập xe máy, nhập ô tô… có hiệu quả rất cao.  Nhưng khi chuyển qua cơ chế thị trường những sản phẩm có tính cạnh tranh càng cao, cơ hội để thâm nhập thị trường thế giới càng thuận lợi.
Trước đây, chúng tôi cung cấp cafe cho thị trường Đông Âu (khối nước xã hội chủ nghĩa), họ luôn coi cà phê Việt Nam là số một, đặc biệt khi đổi hàng với nước Nga, nếu được cung cấp cafe thì chúng tôi thích cái gì họ cũng sẽ đưa.
Từ đó tôi nhận ra một điều, cafe Việt Nam là sản phẩm mà cả thế giới cần và nếu muốn trở thành doanh nghiệp lớn tôi phải chọn sản phẩm nào được cả thế giới thích, nhưng đổi lại đó là một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, vì cơ chế thị trường nếu “anh không tồn tại được anh sẽ chết”. 
Sau 5 năm cổ phần hoá, từ 2006, tốc độ tăng trưởng của công ty rất lớn đạt từ 10 - 50% và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cafe đứng đầu cả nước. 
Sau khi thành công mặt hàng cà phê, ông đúc kết được điều gì?
Trong cuôc sống bất kỳ ai nếu biết giữ chữ tín, có quan hệ tốt với mọi người và phát huy được chữ tín của mình lên thì đó chính là cơ hội. Slogan của Intimex “uy tín là hàng đầu”.
Tuy nhiên, phải hiểu chữ tín không có nghĩa là khi đặt bút xuống ký rồi thì cứ thế mà làm, bởi vì trên thế giới kể cả những doanh nghiệp mạnh nhất khi gặp khó khăn phải ngồi lại đàm phán, bắt buộc phải đàm phán để giải quyết vấn đề và làm sao đảm bảo ích các bên.
Trong kinh doanh có trường hợp bất khả kháng vì vậy doanh nghiệp cần biết tận dụng tốt luật này
Câu chuyện của ông chia sẻ hôm nay rất hữu ích, ông có thể nói gì với các bạn trẻ bước tiếp mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình khởi nghiệp?
Tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện của những người thành đạt từ Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ … có những người bắt đầu đã thất bại và liên tục thất bại nhưng họ không nản chí và biết đặt mục tiêu để phấn đấu. Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam đã thành công họ cũng làm như vậy.
Nếu ai đã quyết tâm và đặt mục tiêu đúng, kiện định với mục tiêu đó thì sẽ đến lúc thành công.
Trân trọng cảm ơn ông, chúc ông cùng Intimex năm mới Tân Sửu sức khoẻ và đạt nhiều thắng lợi mới!

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE