Chủ tịch FPT Telecom: Công nghệ là “vắc xin” cho doanh nghiệp

Trong hoàn cảnh như hiện nay, công nghệ là một thứ "vắc xin" vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom

8 tháng, hơn 85.000 trong số 800.000 doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa, thực chất có thể coi là “đã chết”. Tỷ lệ này lên đến trên 10%, đây là con số rất lớn chưa từng xảy ra trong vài chục năm trở lại đây.

Tại cuộc hội thảo mới đây, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến dẫn số liệu trên để thấy sức tàn phá của COVID-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp là rất lớn.

Ông Tiến chia sẻ, trong mùa dịch mọi người động viên nhau giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đều đặn để nâng sức đề kháng tốt cho cơ thể. Hay cách đây không lâu, trên mạng xã hội mọi người tranh cãi nhau rất lớn về việc tiêm hay không tiêm, tiêm loại vắc xin gì, nhưng cho đến giờ, tất cả mọi người đều thống nhất với nhau tiêm vắc xin vô cùng quan trọng và vắc xin tốt nhất ngày hôm nay chính là vắc xin được tiêm ngày hôm qua.

Đối với doanh nghiệp, giải pháp cần thiết trong những bối cảnh này cũng tương tự như vậy, cần phải bồi bổ bản thân, đặc biệt cần phải tiêm “vắc xin” càng sớm càng tốt. Với bản thân FPT, nhận thức được điều này, FPT đã đưa ra vắc xin cho doanh nghiệp mang tên eCovax với nhiều giải pháp phù hợp trong giai đoạn này. 

Khảo sát mới nhất của Global Research, 71% lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới trả lời rằng họ chưa sẵn sàng cho một thế giới đầy biến động và một tương lai đầy bất ổn như hiện nay. 

Điều này cũng giống như như ở Việt Nam, mọi người đều chưa sẵn sàng cho hoàn cảnh nhiều tỉnh/thành trên cả nước bị cách ly như thế này, đặc biệt những thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà hay các tỉnh ĐBSCL còn đang phải căng mình chống dịch.

Và đến nay, rất nhiều doanh nghiệp trong tình trạng dù cố gắng bằng cách nào đi nữa cũng không hoạt động được, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn cách quay về bảo toàn thành viên của mình.

Cần người lãnh đạo có tầm nhìn

Với những hoàn cảnh thực tế như hiện tại, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng, đặc biệt là khả năng nhìn xa trông rộng. 

Nhắc đến một ví dụ cụ thể, ông Tiến dẫn tới câu chuyện của Thế giới Di động. Rất nhiều người đã quá quen với Thế giới Di động là chuỗi bán điện thoại, máy tính và sản phẩm điện máy. Và rất nhiều người đã cười, hoặc vô cùng ngạc nhiên khi mà Thế giới Di động mở ra chuỗi Bách hóa Xanh. 

Đến ngày hôm nay, có lẽ cũng nhiều người chứng kiến, Thế giới Di động hiện đang có hơn 2.000 cửa hàng Bách hóa Xanh trên toàn quốc. Có thể hệ thống này vẫn còn nhiều khiếm khuyết để nhận không ít lời chê bai về vận hành…, thế nhưng họ không thể phủ nhận 2.000 cửa hàng Bách hóa Xanh này đã phát huy được ưu điểm, tác dụng và sự cần thiết của họ trong mùa dịch.

Đã có tính toán cho rằng, 2.000 cửa hàng này sẽ mang lại cho Thế giới Di động 30.000 tỷ doanh thu trong năm nay. Vậy câu hỏi đặt ra là có phải Thế giới Di động liệu gặp may không?

Cửa hàng của Thế giới Di động, Bách hóa Xanh và gần đây là chuỗi nhà thuốc An Khang đều có chung một chính sách. Tức là dựa trên một nền tảng công nghệ về hệ thống quản trị và phân phối, Thế giới Di động đã xây dựng cho mình trụ cột kinh doanh với các hướng kinh doanh khác nhau, đa dạng hóa sản phẩm. Trong mùa dịch này họ đã chứng minh được là họ đã tồn tại và sẽ tồn tại vững chắc, còn tiếp tục phát triển. 

Trái ngược với trường hợp của Thế giới Di động, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dù đã vô cùng cố gắng nhưng tình hình quá khó khăn mà không biết phải làm thế nào, như trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, một chuỗi các khách sạn khắp nơi thì mọi cố gắng đều vô nghĩa, bây giờ phải đóng cửa. 

Công nghệ là “vắc xin” cho doanh nghiệp

Theo chia sẻ của ông Tiến, có lẽ lãnh đạo doanh nghiệp cần quan sát và học hỏi từ tự nhiên, đó là hiện tượng ngủ đông của một số sinh vật.

Nhiều con vật lựa chọn ngủ đông nhưng chúng không nhắm mắt ngủ đông, trong mùa hè mùa thu chúng chuẩn bị ăn thật nhiều ví như con gấu. Con gấu vào mùa nóng ăn rất nhiều để trữ năng lượng và nó trở nên rất béo, con sóc cất trữ rất nhiều hạt quả, đến khi gần mùa đông nó chọn những nơi khuất gió để có thể tồn tại và rồi đến mùa xuân, khi tuyết tan, lúc này nó trở dậy, lúc này nó rất gầy gò, ốm yếu nhưng không chết.

Trường hợp mà đã rất cố gắng nhưng không làm được gì, ước tính của ông Tiến khoảng từ 20 đến 30% doanh nghiệp đang rơi vào tình huống này.

Vậy “vắc xin” cho doanh nghiệp trong lúc “ngủ đông” là gì? Ông Tiến phân tích ngủ đông một cách tích cực có nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn để làm sao cắt giảm chi phí xuống tối thiểu, phải giữ được đội ngũ cốt cán, giao cho đội ngũ này những nhiệm vụ mà họ phải học được, làm được, chuẩn  bị được cho những ngày “ngủ đông” như vậy. 

Theo ông Tiến, cách “ngủ đông” tích cực như vậy có thể áp dụng với một số loại hình doanh nghiệp chứ không phải tất cả. Doanh nghiệp chỉ có thể ngủ đông nếu khách hàng cũng làm như vậy.

Ví dụ như các khách sạn, khu nghỉ có thể ngủ đông khi khách hàng không đến nữa. Trong trường hợp như FPT thì khách hàng của FPT hay nhiều doanh nghiệp khác vẫn hoạt động, khách hàng có thể là công ty chứng khoán, ngân hàng và công ty bán hàng trực tuyến, công ty dịch vụ y tế và rất nhiều công ty khác thậm chí còn hoạt động mạnh hơn trong thời dịch, chính vì vậy doanh nghiệp như FPT còn bận rộn hơn trước rất nhiều.

Trường hợp của FPT, nếu như trước đây yêu cầu của công ty ít hơn, giờ đang nhiều hơn. Ngày nay, yêu cầu của khách hàng cũng đòi hỏi cao hơn, hóc búa và khắt khe hơn trước rất nhiều.

Trong mùa dịch, một doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng với việc làm việc từ xa. Làm việc từ xa không đơn giản chỉ là mang cái máy tính về nhà, bật video lên gọi là làm việc từ xa. Vậy để làm việc từ xa cần những gì? 

Ông Tiến phân tích đầu tiên phải có ứng dụng liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản trị khách hàng, quản trị sản xuất, quản trị bán hàng, quản trị kho hàng… và phải được tích hợp trên mây “on cloud service”. 

Ở Việt Nam giờ đây đã có nhiều nhà cung cấp các ứng dụng đó, chức năng tương đương nhưng rẻ tiền hơn nhiều, rất phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có thể dùng đến đâu, trả tiền đến đó, doanh nghiệp thấy hài lòng mới mua tiếp.

Ngoài ra, để có thể làm việc online hiệu quả, cần có hệ thống giao nhận công việc. Đã qua rồi cái thời viết vài dòng chữ lên bảng xanh xanh để giao việc mà bây giờ cần phải có hệ thống phù hợp.

Không chỉ vậy, cần phải có hệ thống theo dõi kiểm soát khả năng lao động của từng nhân viên, điều này không hề đơn giản và rồi cần xây dựng hệ thống làm việc có khả năng gọi điện video mà người sử dụng có thể nói chuyện, chat và bàn giao công việc cho nhau. Tất cả những yếu tố trên vô cùng quan trọng bởi khi làm việc online, cần phải đảm bảo được an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu làm việc. 

Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải có nền tảng truyền thông bao gồm trung tâm dữ liệu để lưu trữ, trung tâm này không thể đặt ở văn phòng như hiện nay nữa bởi không ai đến được văn phòng cả và rồi phải có cả đường truyền thay thế, phải liên tục hoạt động để hỏng đường truyền này sẽ dùng được đường truyền khác…

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE