Quay về eMagazine
Chủ tịch Everest Education: Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang đi những bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số

Chủ tịch Everest Education: Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang đi những bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số

"Theo xu thế, ai cũng đang thảo luận về chủ đề digital transformation (chuyển đổi số). Nhưng nói là một chuyện, còn thực hiện là một cái khó hơn gấp 10 lần".
Ông Tony Ngô, Đồng sáng lập, Chủ tịch Everest Education - Trung tâm giáo dục toán học, ngữ văn Anh, luyện thi, tư vấn du học đại học đã có những chia sẻ thú vị với BizLIVE về câu chuyện khởi nghiệp trong ngành giáo dục và cách doanh nghiệp startup chuyển đổi số, vượt khủng hoảng COVID-19.
Ông có thể cho biết cơ duyên nào khiến ông trở về từ nước ngoài và sáng lập hệ thống giáo dục Everest Education? 
Tôi là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp từ một trường đại học Mỹ, và tôi đã rất may mắn vì có cơ hội tốt nghiệp cả hai trường đại học lớn là Harvard và Stanford. Nhưng thực tế mà nói, tôi không được chuẩn bị tốt để cạnh tranh với các ứng viên khác tại thời điểm nộp hồ sơ và đồng thời tôi luôn cảm thấy như đang bị lạc đường. 
Không có anh chị đi trước để chia sẻ kinh nghiệm, tôi chỉ nộp đơn vào các trường đại học dựa vào thứ tự xếp hạng (ranking) chứ không phải là theo các tiêu chí phù hợp nhất đối với tôi. Khi lựa chọn ngành nghề tôi cũng không biết nên học cái gì. Và đồng thời, tôi không được chuẩn bị tốt cho sự nghiêm khắc trong học tập tại đại học. 
Tuần trước, tôi vừa mới được tham dự kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp đại học Stanford, và khi so sánh hai thời điểm, lúc đó tôi đã thực sự vất vả, nhưng bây giờ còn cạnh tranh hơn nhiều, vì học sinh phải đối mặt với tỷ lệ được nhận càng ngày càng thấp.
Tôi thành lập Everest Education để giúp các học sinh vượt qua thách thức này. Tôi muốn giúp cho học sinh Việt Nam không chỉ được nhận mà còn có thể học tập tốt tại các trường đại học quốc tế tuyệt vời.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam đi du học, rồi ở lại luôn nước ngoài làm việc. Nhưng gần đây rất nhiều bạn trẻ đã quay về Việt Nam, vì nhiều lý do, trong đó có câu chuyện môi trường làm việc đã được cải thiện, có nhiều cơ hội... Câu chuyện của ông thì sao?
Mùa hè năm 2007, trước khi tốt nghiệp bằng MBA Harvard, tôi làm thực tập với quỹ TPG và là nhân viên đầu tiên của TPG tại Việt Nam. Và ba tháng đó ảnh hưởng cả hành trình sự nghiệp của tôi sau đó. Thay vì ở lại New York hoặc Cali, tôi quyết định dọn về Việt Nam. 
Trong quá trình làm việc với các công ty hàng đầu Việt Nam, tôi không chỉ được tiếp cận nguồn vốn quốc tế, tôi còn nhận ra một cơ hội quan trọng hơn: vốn chỉ là một phần thôi,  nhân sự sẽ quan trọng hơn để xây một nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Tại vì thế giáo dục sẽ quan trọng trên hết. Tôi thấy rất rõ rào cản từ tình trạng thiếu nhân sự có tư duy phản biện, ảnh hưởng trình độ phát triển của các công ty Việt Nam.
Và với mạng lưới quan hệ của tôi trong cộng đồng Việt kiều, năm 2007, tôi bắt đầu giới thiệu rất nhiều người làm việc ở Việt Nam. Chỉ tiếc là chắc 2007 còn quá sớm! Phần lớn các Việt kiều dọn qua Việt Nam chỉ sau một vài năm quay trở lại Mỹ.
Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi một cách nổi bật và tôi thấy không chỉ là Việt kiều mà các du học sinh sau khi tốt nghiệp cũng quan tâm và quay trở lại làm việc tại Việt Nam ngay lập tức. Điều này cho thấy thị trường đang phát triển và những cơ hội để xây lên các doanh nghiệp quy mô lớn càng ngày càng cao.  
Chủ tịch Everest Education: Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang đi những bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số ảnh 1
Ông đánh giá mức độ tác động của COVID-19 lên cộng đồng startup ra sao?
Tác động của dịch bệnh gây ra khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp, những công ty không đủ linh hoạt để nhanh chóng thay đổi cách làm việc đang gặp rất nhiều rủi ro. Trên toàn thế giới tôi thấy rất rõ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin tích cực hơn, từ e-commerce đến Zoom để thích ứng và duy trì hoạt động.
Vậy chắc hẳn Everest Education cũng đang tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Theo ông từ khi bắt đầu chuyển đổi số thì đâu là vấn đề phải giải quyết đầu tiên?
Nói ngắn gọn, chuyển qua online là một cách dạy không tự nhiên và khá phức tạp đối với hầu hết các trường học và trung tâm trên toàn thế giới. Nhưng tại Everest Education, chúng tôi đã áp dụng công nghệ thông tin hơn sáu năm từ 2015, chúng tôi biết cách có được tương tác cao để cho học sinh thích thú với học online.
Yếu tố đầu tiên là phải xây lên một cộng đồng. Học sinh tham gia lớp cùng chơi cùng học với bạn bè và thầy cô, chứ không nghe thầy cô giảng bài trên màn hình một cách nhàm chán.
Yếu tố thứ hai là phải cho học sinh có cảm giác là mình đang phát triển các kỹ năng và kiến thức. Chúng tôi giúp học sinh thành công vì giáo viên luôn phản hồi câu hỏi của từng học sinh và luôn góp ý từng chút cho đúng. Vì thế nên học sinh có động lực học cao hơn nhiều.
Theo ông chuyển đổi số có gì khác nhau giữa quy mô doanh nghiệp nhỏ và lớn? Vấn đề chi phí ảnh hưởng như thế nào đến quyết định chuyển đổi số của doanh nghiệp?
Chắc là theo xu thế, ai cũng đang thảo luận về chủ đề digital transformation (chuyển đổi số). Nhưng nói là một chuyện, còn thực hiện là một cái khó hơn gấp 10 lần. Vì sao?
Chuyển đổi số không phải chỉ là cách mình áp dụng công nghệ thông tin. Cài đặt một hệ thống mới cho ERP hoặc CRM chỉ là một bước. Tiếp theo thì phải tái cơ cấu lại cả sơ đồ tổ chức để nó phù hợp, vì số nhân viên thực sự hiểu về chiến lược cũng như công nghệ thông tin ở Việt Nam rất ít. Cái cuối cùng là phải thay đổi cả cách làm việc, xây lại các SOP để thực sự phục vụ cho khách hàng với một tư duy customers first.
Ai mà không thay đổi sẽ chết.
Chủ tịch Everest Education: Doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang đi những bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số ảnh 2
Riêng lĩnh vực chuyển đổi số trong giáo dục, ông nhận thấy Việt Nam đang ở giai đoạn nào?
Việt Nam chỉ đang đi những bước đầu tiên thôi. Khi chúng tôi phân tích, dự đoán là tỉ lệ học online tại thị trường Việt Nam mới đạt được 2% là tối đa (không tính trường hợp bắt buộc tại thời điểm dịch bệnh). Đồng thời khi so sánh với các thị trường khác thì con số cao hơn nhiều. Ví dụ ở Trung Quốc năm ngoái tỷ lệ học online cho các khóa học thêm đã hơn 25%.
Nhưng với hệ thống viễn thông, máy móc thiết bị, phương pháp thanh toán qua mạng... Các yếu tố chính để hỗ trợ học online đang càng ngày càng tốt hơn. Tôi tin rằng trong 10 năm tới sẽ có rất nhiều cơ hội để một vài công ty với chất lượng tốt biến thành công ty giáo dục online cực kỳ thành công tại Việt Nam.  
Đâu là giải pháp để các startup có thể phục hồi và đón thời cơ khi dịch bệnh qua đi? Bài học "xương máu" rút ra cho startup từ dịch bệnh là gì, thưa ông?
"The rising tide lifts all boats" (nước lên, thuyền lên). Khi sóng nước lên thì tất cả các thuyền cũng đi lên luôn... Nhưng mà khi nước xuống, thì ta cũng nhận ra ai mạnh, ai yếu. Có rất nhiều công ty không chuẩn bị một chiến lược và cơ cấu vững chắc, và khi cần sáng tạo hoặc thay đổi thì không có khả năng. Bởi vậy, dù là lợi nhuận có thể cao trong thời gian bình thường, nhưng mà khi gặp khủng hoảng thì không vượt qua thách thức đó được.
Theo cách suy nghĩ của tỷ phú Warren Buffett, để cho một công ty có chất lượng cao, nên tìm cách để có lợi thế cạnh tranh bền vững và ổn định. Và bắt buộc phải đầu tư cho tương lai, chứ không phải là ngay trước mắt.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Chat với BizLIVE