Chủ tịch Coteccons (CTD) nói gì khi cổ đông cầm cổ 3 năm, tài sản “bốc hơi” 75% sau chưa đầy một tháng?

Nếu chốt lời ở vùng giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu, câu hỏi của vị cổ đông cầm cổ CTD 3 năm đã không xuất hiện tại ĐHCĐ Coteccons (mã CTD) diễn ra vào ngày 25/4.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch CTD
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch CTD

Trong phiên hồi phục (26/4) tăng 2,32% của VN-Index, cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons là 1 trong số 53 mã tăng trần, đây cũng là phiên đầu tiên sau ĐHĐCĐ của CTD.

Trước đó, cổ phiếu này đã có nhịp lao dốc mạnh từ đầu tháng 4 với mức sụt giảm khoảng 40%, xuống còn 58.000 đồng/cổ phiếu như thời điểm hiện tại.

Đà giảm của CTD ngoài nguyên nhân do thị trường chung sụt giảm, còn đến từ câu chuyện riêng của doanh nghiệp khi Coteccons công bố kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận năm 2022 ở mức thấp kỷ lục, chỉ 20 tỷ đồng. Trong khi năm 2021 con số này là 24 tỷ đồng, đã giảm 93% so với năm 2020.

Tại đại hội, một cổ đông cho biết đã theo Chủ tịch Bolat gần 3 năm, trong chưa đầy 1 tháng từ tháng 4/2022 đã mất 75% tài sản, “tôi chưa bán một cổ phiếu nào nhưng vừa rồi bị bắt phải bán, tôi tin Chủ tịch nhưng cổ phiếu từ 100.000 đồng/cổ phiếu về 54.000 đồng/cổ phiếu thì tin làm sao được”, vị này đặt câu hỏi.

Trước câu hỏi này của cổ đông, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch CTD nói: “Tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi vì nhà đầu tư đã có trải nghiệm như vậy. Nếu các anh nhìn vào TTCK thì TTCK không dành cho người lướt ngắn hạn. Chúng ta nên nhìn vào nền tảng của công ty đó và phải có niềm tin vào năng lực, và trong dài hạn nếu có sự kiên trì, bền bỉ thì kết quả sẽ đến trong dài hạn”.

Về việc đặt kế hoạch kinh doanh vô cùng thận trọng, ông Bolat cho biết, trong giai đoạn khó khăn CTD lựa chọn sẽ tập trung đảm bảo cuộc sống cán bộ nhân viên, chất lượng công trình, bàn giao đúng tiến độ, có kết quả xây dựng trong thời điểm khó khăn, đó là lí do vì sao trích lập dự phòng lớn.

Bổ sung thêm ý kiến này, bà Cao Thị Mai Lê, Kế toán trưởng Coteccons cho biết, năm 2022, CTD xây dựng doanh thu 15.000 tỷ và lợi nhuận 20 tỷ phản ánh bức tranh thực tế của ngành xây dựng.

“Những số liệu này chúng tôi đã thể hiện qua kết quả 2021, chi phí tăng hay khó khăn đó sẽ không dừng lại năm 2021 mà sẽ tiếp tục trong năm nay. Kế hoạch lợi nhuận năm nay của chúng tôi sẽ gặp phải sự phản đối của cổ đông nhưng thực sự đây là bức tranh thực tế.

Chúng tôi đã dự phòng những gì sẽ xảy ra trong năm nay khi nền kinh tế sẽ không phục hồi nhanh như chúng ta kỳ vọng. Ví dụ như sau Covid chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ tới về chiến tranh ngoài biên giới Việt Nam, hay việc Tân Hoàng Minh và nó ảnh hưởng đến vĩ mô. Chúng tôi đã xây dựng phương án dự phòng cho những vấn đề như vậy”, bà Lê nói.

Bà Lê cho biết, mức trích lập dự phòng dự kiến của CTD năm 2022 khoảng 95 tỷ đồng, nếu trường hợp không trích lập thì lợi nhuận có thể là 115 tỷ đồng.

Tiếp tục chất vấn về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận thấp, một cổ đông cho biết, quy mô backlog đạt 25.000 tỷ tại sao Coteccons để kế hoạch doanh thu thấp vậy, quy mô tiền gửi hơn 3.000 tỷ chỉ cần tiền gửi ngân hàng có lợi nhuận 200 tỷ tại sao để kế hoạch thấp. Lãnh đạo CTD cho biết, khi ký hợp đồng thì thời gian triển khai dự án đặc biệt dự án cao tầng kéo dài từ 2-3 năm trong trường hợp khởi công ngay. Một số chủ đầu tư khi đấu thầu tham gia dự án còn nhiều công việc triển khai như mặt bằng, pháp lý, một số dự án chậm tiến độ nửa năm đến 3 quý.

“Do đó, mặc dù ký được backlog lớn nhưng khi xây dựng kế hoạch doanh thu chúng tôi đánh giá trên tiến độ hợp đồng, bao giờ khởi công, và thị trường BĐS họ có thể đẩy nhanh tiến độ hay không…Khi xây một kế hoạch doanh thu 2022 chúng tôi dự phòng khả năng một số dự án không triển khai đúng tiến độ, nên khi chúng tôi đưa vào 2022 chỉ đặt kế hoạch doanh thu 15.000 tỷ”, vị này cho biết thêm.

HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Ban điều hành Coteccons cho biết năm 2022 kế hoạch của công ty vẫn tập trung chủ yếu và xây dựng dân dụng trong khi mảng đầu tư công chỉ mới bắt đầu tham gia và xúc tiến. Trong khi đó, đối thủ lớn là Hòa Bình (mã HBC) đã được mời đấu thầu nhiều dự án quan trọng và kỳ vọng doanh thu mảng công nghiệp sẽ đóng góp đến 20% tổng doanh thu trong năm 2022.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Chat với BizLIVE