Thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có xếp hạng thấp nhất cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công và cũng là thành phố có điểm số thấp nhất trong nhóm 5 thành phố trực thuộc trung ương.
 

Ngày 14/4, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì chính thức được công bố.

Theo đó, Quảng Ninh là địa phương đứng đầu cả nước với 48,81 điểm, Đồng Tháp đứng thứ 2 đạt 46,96 điểm và nhân tố mới là Thái Nguyên đạt mức điểm cao thứ 3 cả nước với 46,47 điểm.

Trong báo cáo PAPI 2020, có 6 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI năm 2020. Trong đó, Thái Nguyên đứng đầu ở một chỉ số: tham gia người dân cấp cơ sở. Quảng Ninh có 3 chỉ số đứng đầu (công khai minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và cung ứng dịch vụ công). Quảng Bình đứng đầu tiêu chí: trách nhiệm giải trình với người dân; Trà Vinh (thủ tục hành chính công); Đồng Tháp (Quản trị môi trường) và Đà Nẵng (Quản trị điện tử).

Đáng chú ý, năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số đánh giá của PAPI.

Thủ đô Hà Nội trong top "đội sổ" của PAPI, TP.HCM trong nhóm "trung bình thấp"

Một điểm đáng lưu tâm khác trong báo cáo PAPI 2020, trong khi nhiều địa phương có sự cải thiện đáng kể thì hai "đầu tàu" của cả nước là Hà Nội và TP.HCM lại có thứ hạng đáng quan ngại. Đặc biệt là thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, thủ đô Hà Nội nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có xếp hạng thấp nhất cả nước với 41,629 điểm. Đồng thời, Hà Nội cũng là thành phố có điểm số thấp nhất trong nhóm 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Hà Nội có điểm số thuộc nhóm thấp nhất ở các tiêu chí Thủ tục hành chính công (7,169 điểm) và Quản trị môi trường (2,959 điểm). Ở nhóm tiêu chí Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Cung ứng dịch vụ công, Hà Nội cũng chỉ đạt mức điểm trung bình thấp.

Trong khi đó, TP.HCM nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có xếp hạng trung bình thấp với 41,985 điểm. TP.HCM bị đánh giá thấp ở các tiêu chí Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (4,445 điểm), Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,363 điểm), Quản trị môi trường (2,82 điểm).

Chỉ số PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội trong nhóm xếp hạng thấp nhất ảnh 1  
Mức độ lạc quan với nền kinh tế của người dân suy giảm mạnh

Năm 2020, mặc dù Việt Nam rất thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 và thành quả này cũng đã được quốc tế ghi nhận song khảo sát PAPI cũng chỉ ra những tác động to lớn của đại dịch tới người dân và tâm lý quan ngại không nhỏ về tương lai trong "trạng thái bình thường mới".

Cụ thể, khảo sát cho thấy mối quan ngại về đói nghèo hiện ở mức cao nhất, mặc dù tỉ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 17,92%, mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Chỉ số PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội trong nhóm xếp hạng thấp nhất ảnh 2  

Bên cạnh đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Tỉ lệ người trả lời quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước tăng từ 10% lên 13%, và tỉ lệ người quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế tăng từ 2% năm 2019 lên 17% năm 2020.

Có thể thấy, mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung cũng phản ánh nỗi lo lắng của người dân về hiện trạng kinh tế hộ gia đình, rất có thể là do tác động của đại dịch COVID-19.

Chỉ số PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội trong nhóm xếp hạng thấp nhất ảnh 3

Tăng trưởng kinh tế và việc làm là hai trong số bốn vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020,

Nhìn chung, mức độ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình năm 2020 giảm xuống tới mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng thời đánh giá của người dân về nền kinh tế của Việt Nam nói chung ở mức bi quan nhất trong ba năm.

Lần đầu tiên sau 10 năm, tỉ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh, thể hiện qua việc số người cho rằng tình hình kinh tế của đất nước hiện nay ở mức kém tăng lên đáng kể so với hai năm trước.

Kết quả khảo sát này phần nào phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thực tế năm 2020 đạt 2,91%--mức thấp nhất trong 10 năm qua

Chỉ số PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội trong nhóm xếp hạng thấp nhất ảnh 4

Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy xu hướng đảo chiều ở cả hai vế đánh giá. Số người trả lời cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ là kém hoặc rất kém tăng lên, trong khi số người cho rằng tình hình kinh tế gia đình của họ tốt hoặc rất tốt giảm đi.

Đáng chú ý nhất là tỉ lệ người trả lời cho biết điều kiện kinh tế hộ gia đình so với ba năm trước và cảm nhận về nền kinh tế Việt Nam nói chung kém đi. 

Cụ thể, tỉ lệ người trả lời cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ kém hơn so với ba năm trước tăng từ 14% năm 2019 lên 18% năm 2020. Tương tự, tỉ lệ người trả lời cho biết điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ khá hơn ba năm trước giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Chỉ số PAPI 2020: Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội trong nhóm xếp hạng thấp nhất ảnh 5  

Hiện trạng mất việc rộng khắp trong năm 2020 là một lý do khiến nhiều người  bi  quan  hơn  với  tình  hình  kinh  tế. Có  tới 25,34%  số  người  được  hỏi  trên phạm vi toàn quốc cho rằng họ hoặc người thân trong gia đình bị mất việc do tác động của đại dịch COVID-19.

Xác suất những người bị mất việc hoặc thu nhập do COVID-19 có quan điểm tiêu cực cao  hơn 6 điểm %  so với những người không bị mất việc. Tỉ lệ người có đánh giá tích cực về nền kinh tế nói chung thấp hơn khoảng 10 điểm % so với năm 2019.

Ngoài ra, đánh giá về những vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2020  cũng  có  sự  khác  biệt  giữa  phụ  nữ  và  nam  giới.  Phụ  nữ  quan  ngại  hơn  với  những  vấn  đề  như  giảm  nghèo,  y  tế  và  giáo  dục.

Theo đó, nam  giới  quan  ngại  hơn  về  các  vấn  đề  tăng  trưởng  kinh  tế,  an  ninh,  tranh  chấp  biển  Đông  và  tham  nhũng.  Sự  khác  biệt  mang  hàm  ý  chính  sách  quan  trọng  trong  việc  đề  cử  và  bầu  chọn người đại diện của công dân trong các cơ quan dân  cử  trong  cuộc  bầu  cử  đại  biểu  Quốc  hội  và  Hội  đồng nhân dân năm 2021.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011.

Năm 2020, 14.732 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 12 năm qua, có tới 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.

Năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với chương trình nghiên cứu PAPI do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp tại miền Trung. Song, nhờ sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan đồng thực hiện PAPI, khảo sát PAPI 2020 đã thành công dù chậm hơn so với thường lệ 1 tháng


Tuấn Việt