Chênh lệch giá vàng miếng SJC vào túi ai?

Với thực tế kéo dài suốt thời gian qua, nhiều ý kiến đặt câu hỏi vì sao chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá thế giới lên tới 15-20 triệu/lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi?
Chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới duy trì ở mức cao suốt thời gian qua (Hình minh họa).
Chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới duy trì ở mức cao suốt thời gian qua (Hình minh họa).

Ngày 28/7/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng.

“Không doanh nghiệp nào có thể thao túng”

Tại buổi họp, bà Lê Thúy Hằng - Tổng giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

Về vấn đề chênh lệch giá vàng, Tổng giám đốc SJC khẳng định, công ty hoàn toàn không có lợi.

“Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ-gần 400 tỷ/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ lãi ròng. Như vậy, công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của thành phố, UBND thành phố giao để có quỹ lương cho người lao động”, bà Hằng cho biết.

Về giá vàng trên thị trường, Tổng giám đốc SJC khẳng định, công ty không phải người thao túng hay làm giá, bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định.

“Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường”, bà Hằng nói.

Cũng theo Tổng giám đốc SJC, thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện.

Bà Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Đứng về phương diện kinh doanh, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại. Các doanh nghiệp, các ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được.

Không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại - ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập DOJI

Không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại - ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập DOJI

Việc sửa đổi Nghị định 24 phải đánh giá kỹ lưỡng

Dù vậy, với diễn biến trên thị trường trong suốt thời gian qua, có nhiều ý kiến đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng miếng SJC với vàng quốc tế từ 15-20 triệu/lượng? Có hay không lợi ích nhóm? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng? Chính sách vàng (Nghị định 24) cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?

Theo các phân tích đưa ra tại cuộc họp, về chênh lệch giá, một số ý kiến cho rằng chênh cao là so với giá vàng miếng SJC, còn so với vàng vật chất 4 số 9 thì chỉ chênh khoảng 2 triệu/lượng. Do vậy khẳng định giá vàng chênh quá cao so với thế giới là thông tin chưa toàn diện. Và người dân có thể thay vì mua vàng thương hiệu SJC thì có thể mua vàng thương hiệu khác. Tuy nhiên thói quen nhiều người vẫn mua SJC vì thực tế mua cao thì lại bán cao.

Các ý kiến tham gia cuộc họp cũng khẳng định chênh lệch giá đó không phải mong muốn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; chênh lệch càng lớn hay giá trong nước càng cao rủi ro càng cao cho chính các đơn vị kinh doanh; cũng không có lợi ích nào của các doanh nghiệp trong câu chuyện chênh lệch giá vàng, đặc biệt khi giá vàng trong nước chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới. Cũng không có ai thao túng được thị trường vàng trong nước.

Còn với Nghị định 24, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập DOJI cho rằng, nghị định này sau 10 năm triển khai thực hiện đến thời điểm này có thể đánh giá là sự thành công rất lớn.

“Trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Quyết định của NHNN về sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nếu NHNN không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế”, ông Phú nói.

Chủ tịch Hội đồng Sáng lập DOJI cho rằng, Nghị định 24 đến giờ vẫn chưa hết vai trò lịch sử. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng, mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức. Sau khi Nghị định 24 ra đời, NHNN và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi... Đây cũng là một thành công rất lớn của Nghị định 24.

Ông Phú cho rằng, trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả vô cùng tốt, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn NHNN xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24.

Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện Nghị định 24, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thống đốc cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giá vàng tiếp tục đi lên

Giá vàng trong nước vẫn neo cao

Trong khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm nhẹ, thì giá vàng trong nước vẫn tăng so với phiên trước và đang giao dịch quanh mức 80 triệu đồng/lượng.

Chat với BizLIVE