"Chảy máu" nhân lực ngành du lịch

Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, năm 2020 gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm, năm 2021 chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuyển sinh ngành du lịch sụt giảm 50% so với năm 2019

Tại Hội nghị Tuyển sinh - đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 26/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, nhân lực du lịch trở nên thiếu hụt nghiêm trọng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% doanh nghiệp dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.

Ông Trương Anh Dũng cho biết, 2 năm qua ngành du lịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi các hoạt động gần như tê liệt do dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động trở lại thì lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.

Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy trong tháng 9/2021 số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết tháng 12/2021 kết quả tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.

Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm; năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian…

Đại diện Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Lạc Hồng cho biết, đơn vị này liên tục tuyển dụng nhân sự những vẫn không đủ. Để ứng phó với sự thiếu hụt, doanh nghiệp này đã phải chào mời cả những lao động vừa tốt nghiệp ra trường hoặc đang còn đi học.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ văn hóa thể thao du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch) cho rằng, mặc dù là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hệ thống đào tạo còn ít. Cả nước chỉ có 278 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, trong đó có 101 trường đại học còn lại là các trường cao đẳng và trung cấp.

"Thời gian qua, dịch bệnh khiến cho nhiều lao động có tâm lý e ngại, nhiều lao động bỏ việc, chuyển việc. Thậm chí một số gia đình còn không muốn cho con em thi ngành du lịch".

Thạc sĩ Ngô Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng: "Kể từ khi Chính phủ áp dụng chính sách mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam cho đến thời điểm này, lần đầu tiên ngành du lịch chúng ta bị ảnh hưởng như vậy. Trước đây nước ta bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch SARS nhưng nó chỉ ở tầm khu vực là Bắc Á, Trung Quốc nhưng lần này là chuỗi toàn cầu".

Từ số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy đang có một lượng chảy máu nguồn nhân lực ngành du lịch là rất lớn.

Giải bài toán "chảy máu" nguồn nhân lực

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí cho cả hai bên.

Thạc sĩ Ngô Thị Xuân cho rằng giải pháp đầu tiên là đào tạo cho nguồn nhân lực ngành du lịch còn lại trong khoảng thời gian ngắn nhất để ôn luyện lại những kỹ năng nghiệp vụ mà trong khoảng 2 năm vừa rồi họ không có cơ hội để thực hiện.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng đang tuyển mới một lượng nhân sự để kịp thời đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Thạc sĩ Ngô Thị Xuân nhận thấy có thể học hỏi một số bài học kinh nghiệm của một số tỉnh.

Ví dụ, TP.HCM có kết hợp với một số tỉnh như An Giang, Bến Tre, Đắk Lắk... họ đã có một cơ chế giữa Sở Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phòng Quản lý Du lịch để tập trung các lực lượng du lịch vừa và nhỏ. Phòng Quản lý Du lịch đã tập hợp các lực lượng nhân sự này để phối hợp với trường để đào tạo kịp thời cho tình hình hiện nay.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, việc ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ diễn ra trong 1-2 năm mà cần được duy trì, phát huy trong những thời gian tiếp theo để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.

Chính vì vậy, ngoài sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực. Phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE