Châu Âu trước thách thức tự chủ về năng lượng

Sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, các nước châu Âu đã đối mặt với những thách thức mới khi phải nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế Nga. Trong bối cảnh này, phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp để châu Âu tiến tới độc lập năng lượng trong dài hạn.
Châu Âu trước thách thức tự chủ về năng lượng

Lực đẩy sau xung đột

Theo nghiên cứu mới được công bố của tổ chức tư vấn Ember, Liên minh châu Âu (EU) đã tiết kiệm được 12 tỷ euro (12,96 tỷ USD) chi phí mua khí đốt kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, nhờ tăng cường sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, châu Âu đã lần đầu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn từ khí đốt vào năm ngoái.

Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, Ani Dasgupta, cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã đưa các nhà lãnh đạo châu Âu lại gần nhau, giúp chính sách năng lượng của khu vực thống nhất hơn bao giờ hết và cũng tham vọng hơn.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho rằng xung đột tại Ukraine có thể đánh dấu sự chuyển đổi căn bản trong cách thức các nước ở châu Âu và các khu vực khác đánh giá về an ninh năng lượng và có thể thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Theo ông Birol, phản ứng của các chính phủ trên thế giới hứa hẹn đưa đến bước ngoặt lịch sử hướng tới hệ thống năng lượng đảm bảo hơn, bền vững hơn và sạch hơn.

Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU, Carlo Buontempo, cho rằng xu hướng rõ ràng nhất có thể thấy trong các quan sát là tiềm năng để châu Âu có thể trở nên độc lập về năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào công suất lắp đặt và thời gian chứ không phải là khí hậu.

Trong báo cáo tháng 12/2022, tập đoàn công nghiệp SolarPower Europe cho biết 27 quốc gia thành viên EU đã bổ sung 41,4 GW năng lượng Mặt Trời mới vào lưới điện trong năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với mức được lắp đặt chỉ 2 năm trước đó.

Vai trò của năng lượng tái tạo

Tính đến năm 2021, khoảng 22% năng lượng sử dụng tại EU đến từ các nguồn tái tạo, nhưng tỷ lệ ở mỗi nước có sự chênh lệch đáng kể. Việc nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng nếu EU muốn đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu đã được luật hóa là giảm mức phát thải ròng gây hiệu ứng nhà kính 55% vào năm 2030 so với mức ghi nhận năm 1990.

Các mục tiêu liên quan năng lượng tái tạo cũng trở nên quan trọng hơn khi EU tìm cách giảm phụ thuộc và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Các kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu này chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng phát thải thấp, tự sản xuất.

Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, EU cần đầu tư quy mô lớn cho các trang trại năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện châu Âu để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn. EC ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn độc lập về năng lượng.

Giám đốc chính sách của SolarPower Europe, ông Dries Acke, nhấn mạnh mặc dù công suất đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng cần có nhiều hỗ trợ hơn để cập nhật và mở rộng lưới điện và lưu trữ trên khắp châu Âu. Ngoài sản xuất các tấm năng lượng Mặt Trời, ông cho biết hiện nhiều công ty bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực công nghệ pin.

Công nghệ không chỉ tạo ra năng lượng Mặt Trời mà nó còn mang lại nhiều lợi ích phụ, đặc biệt đối với nông nghiệp. Ông Acke nhấn mạnh cách các tấm pin Mặt Trời có thể được sử dụng để che bóng cho cây trồng và bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ quá cao, đồng thời giảm lượng bốc hơi từ các cánh đồng và hồ chứa.

Chia sẻ trên trang Twitter, nghị sĩ châu Âu Markus Pieper nêu rõ các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ các nguồn như gió và Mặt Trời trong tổng năng lượng sử dụng lên 42,5%, tăng hơn gấp đôi so với mức 22% hiện tại, cũng như vượt mục tiêu đề ra trước đó cho năm 2030 là 32%. Thỏa thuận còn kêu gọi các thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt tỷ lệ 45% vào thời điểm nêu trên.

Triển vọng sản lượng

Sản lượng điện Mặt Trời tại EU dự kiến đạt 920 GW vào năm 2030, tăng 37% so với ước tính 672 GW trước khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, nhờ phản ứng của các nước thành viên đối với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột.

Theo trang Anadolu Agency, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực loại bỏ các rào cản để xin giấy phép là một trong những phản ứng chính của các chính phủ châu Âu nhằm giảm bớt khủng hoảng năng lượng và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời và gió.

Với việc lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 GW vào năm 2023, công suất năng lượng Mặt Trời tích lũy ở EU dự kiến sẽ đạt 400 GW vào năm 2025.

Heymi Bahar, nhà phân tích cấp cao tại IEA, nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng là "chất xúc tác" để các chính phủ đơn giản hóa các quy trình cấp phép. Ông Bahar nói rằng thời gian cấp phép kéo dài đã là một vấn đề trong nhiều năm và việc loại bỏ các rào cản trong qua trình cấp phép giúp đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Trong khi năng lượng Mặt Trời tăng trưởng theo cấp số nhân, công suất năng lượng gió tại EU có thể tăng tốc dần dần. Nhà phân tích Harriet Fox thuộc công ty tư vấn năng lượng Ember lưu ý lạm phát cao và vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất điện gió. Tổng công suất điện gió ở châu Âu hiện nay là 255 GW.

Không giống như năng lượng Mặt Trời, dự báo tăng trưởng điện gió ở châu Âu hầu như không thay đổi so với ước tính trước khi bùng phát xung đột tại Ukraine. Châu Âu dự kiến sẽ lắp đặt 129 GW công suất điện gió mới trong giai đoạn 2023-2027.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE