Châu Âu kiềm tỏa tuyến hàng hải vận chuyển dầu từ Nga

Bên cạnh lệnh cấm vận 90% lượng dầu thô từ Nga, châu Âu còn kiểm soát lĩnh vực bảo hiểm đối với các tàu vận chuyển.
Tàu vận chuyển dầu sẽ gặp khó khăn nếu không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Ảnh: AFP.
Tàu vận chuyển dầu sẽ gặp khó khăn nếu không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Ảnh: AFP.

Theo CNN, kể từ thời điểm Tổng thống Vladimir Putin tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga là hình phạt cứng rắn nhất từng nhắm vào Điện Kremlin. Song, một số lệnh trừng phạt nhỏ hơn đi kèm cũng có sức công phá mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.

Để thay thế lượng xuất khẩu sang khu vực châu Âu, dòng chảy năng lượng của Nga đã chuyển hướng sang một số khách hàng lớn khác như Ấn Độ và Trung Quốc. Dẫu vậy, lệnh cấm chi trả quyền lợi bảo hiểm đối với tàu chở dầu khiến Moscow gặp khó trước đơn đặt hàng lên tới hàng trăm nghìn thùng/ngày.

Khó vận chuyển dầu bằng đường biển

“Đánh vào lĩnh vực bảo hiểm là cách tốt nhất để ngăn chặn dòng chảy dầu thô của Nga thay vì chỉ chuyển hướng”, Matt Smith, chuyên gia dầu mỏ tại công ty phân tích Kler, nhấn mạnh.

Trong gói trừng phạt, EU cho biết các công ty thuộc khu vực sẽ bị cấm bảo hiểm và cung cấp tài chính cho hoạt động vận chuyển dầu thô từ Nga tới các nước bên thứ 3 trong khoảng 6 tháng.

“Điều này sẽ gây khó khăn, đặc biệt cho Nga, trong hoạt động xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế sang phần còn lại của thế giới. Hiện các đơn vị ở EU đang là những nhà cung cấp dịch vụ quan trọng”. Ủy ban châu ÂU (EC), tuyên bố.

Anh cho biết sẽ đồng hành cùng EU. Động thái này có thể tiếp tục siết chặt hoạt động vận tải hàng hải do công ty Lloyd’s of London trong nhiều thế kỷ qua là trung tâm của thị trường bảo hiểm hàng hải.

Nga đang chống chọi lệnh cấm vận dầu bằng cách mở rộng sang thị trường khác với mức giá bán chiết khấu cao. Tuy nhiên, nếu các con tàu không nhận được bảo hiểm, tình hình giao vận sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới.

“Các hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm hàng hải của Nga rất quan trọng. Đây là lý do khiến chúng tôi tin rằng Nga không thể giao tất cả thùng dầu từ châu Âu sang nơi khác, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Lệnh cấm sẽ gia tăng sự phức tạp về chính trị và kinh tế đối với việc vận chuyển dầu của Nga”, Shin Kim, người đứng đầu bộ phận phân tích sản xuất và cung cấp tại S&P, nhận định.

Dòng chảy đổi chiều

Song, các đối tác của Nga tại châu Âu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ vì lệnh cấm vận này trong bối cảnh tình hình hậu cần và uy tín suy giảm.

Dữ liệu từ Kler cho thấy xuất khẩu sang Tây Bắc Âu đã giảm từ 1,08 triệu thùng/ngày (tháng 1) xuống dưới 325.000 thùng/ngày (tháng 5/2022). Áp lực từ phương Tây buộc Nga phải cắt giảm sản lượng, có thể lên tới 17% trong năm nay theo thông tin từ Bộ Kinh tế.

Dù vậy, việc gia tăng xuất khẩu dầu sang châu Á đã giúp Nga bù đắp phần lớn thiệt hại. Tận dụng những đợt chiết khấu lớn, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 938.900 thùng/ngày vào tháng 5. Con số này ở giai đoạn tháng Giêng chỉ khoảng 170.800 thùng/ngày.

Nếu Anh hợp tác cùng EU nhắm vào lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, quá trình nhập khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn. Thị trường bảo hiểm hiện nay bao gồm mạng lưới các công ty tái bảo hiểm nhằm phân chia rủi ro, hầu hết nhóm này đều đặt trụ sở ở châu Âu.

Việc loại Nga khỏi thị trường sẽ tác động đến mối quan hệ với Moscow. Mặt khác, động thái cũng kéo giá năng lượng toàn cầu tăng cao trong khi cả Mỹ và châu Âu đều vật lộn để kiềm chế lạm phát.

“Đúng, Nga sẽ mất nguồn thu, nhưng châu Âu và Mỹ cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới”, Olivier Blanchard, cựu Kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chia sẻ.

Nga tìm cách bảo vệ dòng chảy

Các nhà máy lọc dầu và doanh nghiệp nhập khẩu không phải những người duy nhất quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm của đội tàu vận chuyển.

“Các tàu không có bảo hiểm hoặc không được bảo hiểm sẽ không được phép cập cảng chính hoặc di chuyển qua các điểm quan trọng như Bosporus hoặc kênh đào Suez”, Sergei Vakulenko, nhà phân tích năng lượng tại Đức, lưu ý.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính đang nâng cao cảnh giác trước các dấu hiệu né tránh lệnh trừng phạt. Lệnh trừng phạt không chỉ liên quan đến giao dịch trong ngành sản xuất dầu mỏ mà còn liên quan đến tất cả bên khác.

Các tàu chở dầu của Nga đang được doanh nghiệp quốc doanh bảo lãnh. Ảnh: Reuters.

Nga tuyên bố phá vỡ các quy định mới bằng cách dựa vào sự đảm bảo của nhà nước để thay thế bảo hiểm truyền thống. Theo Reuters, Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia do chính phủ Nga kiểm soát hiện là đơn vị tái bảo hiểm chính cho các tàu thuyền của nước này.

“Vấn đề này có thể giải quyết. Chúng có thể được thực hiện thông qua sự đảm bảo của nhà nước trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế với nước thứ 3. Nga luôn là một đối tác trách nhiệm, đáng tin cậy và sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong tương lai”, Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, khẳng định.

Lệnh cấm từ EU ít nhiều vẫn gây gián đoạn đến mặt hàng này. Song, động thái này đồng nghĩa các lô hàng dầu thô của Nga không thể bị ngăn chặn hoàn toàn.

Nhưng không phải ai cũng coi đây là giải pháp thích hợp, đặc biệt khi Nga có thể đưa ra các yêu sách cần thiết trong bối cảnh phải hứng chịu lệnh trừng phạt. Giới chuyên gia cho rằng lệnh cấm của EU sẽ thu hẹp nhóm các quốc gia sẵn sàng mua năng lượng từ Nga.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE