Châu Âu hứng chịu hậu quả tệ hại khi đồng euro đạt điểm cân bằng với đồng USD

Đồng euro đã sụt giá hơn 10% trong năm nay khi mà kinh tế châu Âu đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang đe dọa đẩy kinh tế khu vực này rơi vào suy thoái.
Ảnh: EconomicTimes
Ảnh: EconomicTimes

Đồng euro hiện đang hướng đến ngưỡng cân bằng so với đồng USD lần đầu tiên tính từ những năm đầu đồng euro được lưu hành. Nhà đầu tư đang cho rằng mọi chuyện đối với đồng tiền chung này sẽ có thể tệ hơn trong thời gian tới.

Sự sụt giảm về giá trị này như vậy đã tạo ra thêm thách thức đối với khu vực đồng tiền chung vốn đã chật vật với vấn đề lạm phát đồng thời “làm khó” Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong nỗ lực rút đi các biện pháp kích thích. Đồng thời nó cũng tạo ra nhiều thách thức với nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ hiện đang có hoạt động tại châu lục này bởi lợi nhuận mà doanh nghiệp Mỹ mang về sụt giảm nếu tính theo giá trị đồng USD.

Vào cuối ngày thứ Sáu, đồng euro giao dịch với đồng USD ở mức 1,0099USD/euro, như vậy rơi xuống gần sát ngưỡng cân bằng hoặc giá trị tương đương với đồng USD. Vào cuối ngày giao dịch, đồng euro phục hồi lên ngưỡng 1,0188USD/euro. Một ngày trước đó, tỷ giá đồng euro đứng ở mức 1,0162USD/euro, ngưỡng đóng cửa thấp nhất tính từ tháng 12/2002.

Đồng euro đã sụt giá hơn 10% trong năm nay khi mà kinh tế châu Âu đương đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang đe dọa đẩy kinh tế khu vực này rơi vào suy thoái.

Gia tăng thêm áp lực với đồng euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang hành động chậm hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc nâng lãi suất cơ bản, chính vì vậy giá trị đồng USD tăng lên cao hơn so với đồng euro.

Việc đồng euro rớt giá xuống ngưỡng cân bằng so với đồng USD không gây ra hậu quả cụ thể nào với các thị trường tài chính hay nền kinh tế. Tuy nhiên khi mà một đồng euro có giá trị thấp hơn so với đồng USD, nó cho thấy triển vọng kinh tế chênh lệch rất lớn ở hai bên bờ Đại Tây Dương, đồng thời nó có thể buộc quan chức châu Âu đánh giá lại về tiến độ nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhà đầu tư và các chiến lược gia thị trường đã không ngừng đặt kỳ vọng khả năng đồng euro sẽ ở ngưỡng cân bằng so với đồng USD dù rằng khả năng này cho đến giờ chưa thành hiện thực. Tuy nhiên những nỗi sợ về khả năng giá khí đốt tăng mạnh đã kéo đồng euro xuống dưới ngưỡng 1,035USD/euro trong tuần này, mức thấp từng thiết lập trong năm 2017.

Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Abrdn, ông James Athey, khẳng định ông tin đồng euro sẽ rơi xuống mức còn khoảng 97 cent/euro và đồng euro thậm chí cón có thể giảm sâu hơn nữa trong ngắn hạn.

Ông Athey dự báo: “Tôi không loại bỏ quan điểm rằng đồng euro sẽ có thể rớt xuống dưới mức 90 cent/euro”.

Các chuyên gia phân tích thuộc Deustche Bank tính toán đồng euro sẽ có thể xuống mức khoảng từ 95 cho đến 99 cent/euro sau khi phá vỡ ngưỡng cân bằng. Các chuyên gia phân tích đang tính toán xem liệu cặp tiền tệ này sẽ phản ứng như thế nào với các yếu tố như các đợt nâng lãi suất hoặc nhiều áp lực về kinh tế và thị trường.

Trưởng bộ phận nghiên cứu về ngoại hối tại ngân hàng Deustche Bank, ông George Saravelos, nhận xét: “Việc tỷ giá rơi xuống dưới ngưỡng cân bằng sẽ phát đi thông điệp rõ ràng rằng thị trường đang dự báo về khả năng suy thoái cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng như hiệu ứng tiêu cực của thương mại do cuộc khủng hoảng năng lượng”.

Sự đi xuống của đồng euro sẽ gây ra nhiều hiệu ứng dây chuyền lên kinh tế toàn cầu, lợi nhuận doanh nghiệp và túi tiền của người dân. Với những người Mỹ đi du lịch nước ngoài trong mùa hè năm nay, đồng euro yếu đồng nghĩa với việc họ có thể chi tiêu nhiều hơn tại châu Âu. Tuy nhiên với doanh nghiệp Mỹ, đồng euro yếu có thể khiến cho rất khó khăn bởi họ khó cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 kiếm được khoảng 14% doanh thu từ châu Âu, theo tính toán của FactSet.

Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, ảnh hưởng của đồng euro yếu hết sức rõ ràng. Đồng euro yếu làm gia tăng áp lực lạm phát của châu Âu thông qua việc khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với nhóm các loại hàng hóa chủ chốt, trở nên đắt đỏ hơn. Và không giống trong quá khứ, đồng euro yếu không mang đến cú huých quan trọng cho ngành sản xuất khu vực này dù hàng hóa xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung châu Âu trở nên có giá thấp hơn ở nước ngoài.

Nguyên nhân của điều này là bởi với khu vực đồng tiền chung châu Âu, tác động của việc đồng euro thấp không bù lại được cho việc ngành sản xuất châu Âu hiện đang đương đầu với rất nhiều áp lực từ vấn đề trong chuỗi cung ứng và nguồn cung khí đốt thiếu hụt, trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối tại quỹ Jefferies – ông Brad Bechtel chỉ ra.

Trong tuần này, Đức công bố thâm hụt thương mại lần đầu tiên tính từ năm 1991. Xuất khẩu của Đức giảm trong tháng 5/2022 dù rằng đồng euro yếu đi.

Đồng euro yếu cũng khiến cho các tài sản được định giá bằng đồng euro ví như cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Chỉ số chứng khoán Stoxx Europe 600 đã giảm 14% trong năm nay, thấp hơn mức hạ 18% của chỉ số S&P 500. Thế nhưng nếu tính theo giá trị đồng USD, chỉ số chứng khoán châu Âu hạ mạnh hơn so với chỉ số Mỹ.

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE