Quay về eMagazine
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam

CEO Microsoft Việt Nam: “2021 là năm bản lề cho chuyển đổi số”

Khi Chính phủ chuyển đổi thì sẽ tạo ra một môi trường chuyển đổi, và các doanh nghiệp sẽ có được "hành lang" để nhận những sự hỗ trợ cần thiết cho chuyển đổi và sáng tạo
Tất cả các tỉnh đều đang
chuyển đổi số
"Thế giới mọi người đều nói về chuyển đổi số, nhà nhà cũng đang nói về chuyển đổi số", ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam mở đầu phần chia sẻ tại Hội thảo về chuyển đổi số “Business For Better ” diễn ngày 7/1/2021.
Đề cập đến "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 6/2020, ông Trường cho biết chưa bao giờ được thấy sự quyết tâm về chuyển đổi số diễn ra như hiện nay. Từ  những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đến Yên Bái, Lào Cai, Pleiku, Đồng Tháp Mười, Cà Mau... tất cả các tỉnh đều đang chuyển đổi.
"Khi mà Chính phủ chuyển đổi thì sẽ tạo ra một môi trường chuyển đổi, và các doanh nghiệp sẽ có được "hành lang" để nhận những sự hỗ trợ cần thiết cho chuyển đổi và sáng tạo. 2021 là một năm bản lề rất lớn về chuyển đổi số ở Việt Nam", ông Trường nói.
Ông Trường cho biết quá trình chuyển đổi số hiện đang diễn ra ở khắp mọi nơi, không trừ bất cứ một doanh nghiệp hay ngành nghề nào. Điều này tạo ra cơ hội cũng như thách thức rất lớn với mọi doanh nghiệp, tổ chức bao gồm cả Chính phủ.
Lý giải về nhận định năm 2021 sẽ là năm bản lề quan trọng của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Trường chỉ ra đầu tiên đó là những thuận lợi, hậu thuẫn từ Chính phủ.
Lấy ví dụ tại chính Microsoft Việt Nam, thời gian vừa qua, cuộc họp của cá nhân ông Trường hay doanh nghiệp này với các cơ quan Chính phủ đã tăng đột biến.
"Chưa bao giờ tôi thấy bên Bộ Tư Pháp muốn tìm hiểu về chuyển đổi số như bây giờ", ông Trường thông tin trong cuộc chia sẻ bên lề với phóng viên BizLIVE.
Chuyển đổi số phải thay đổi rất nhiều thứ. Trong đó, việc quản lý kỷ cương, quản lý và hướng dẫn đến từng doanh nghiệp, từng người dân trên nền tảng số là vô cùng quan trọng.
"Ngày hôm nay tôi có thể chụp ảnh bất kỳ ai đưa lên Facebook nhưng ngày mai hành động ấy có thể trở thành phạm pháp", ông Trường đưa ra một ví dụ.
Cùng với đó, sự thuận lợi tiếp theo đến từ chính sự ham hiểu biết, khả năng học hỏi, thích nghi của người Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo Microsoft Việt Nam cũng chỉ ra thách thức là doanh nghiệp phải làm sao để không chỉ có những cá nhân giỏi mà cần có cả một tập thể giỏi.
CEO Microsoft Việt Nam: “2021 là năm bản lề cho chuyển đổi số” ảnh 1 CEO Microsoft Việt Nam: “2021 là năm bản lề cho chuyển đổi số” ảnh 2 CEO Microsoft Việt Nam: “2021 là năm bản lề cho chuyển đổi số” ảnh 3
Toàn cảnh Hội thảo về chuyển đổi số “Business For Better” diễn ra ngày 7/1/2021. Ảnh Văn Cao.
Điều gì quyết định sự thành công của chuyển đổi số?
Đề cập đến đại dịch Covid-19, ông Trường đánh giá Covid-19 không chỉ thúc đẩy quá trình quá trình chuyển đổi số mà chính quá trình chuyển đổi số cũng đã giúp sự thích ứng với hoàn cảnh khó khăn được thuận lợi hơn.
Những doanh nghiệp đã triển khai công nghệ số sẽ là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng.
"Với nền tảng công nghệ đám mây linh hoạt, họ có khả năng tùy chỉnh theo nhu cầu kinh doanh, tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả và khả năng kết nối trong toàn bộ tổ chức. Tại Microsoft, chúng tôi gọi đó là “Tech Intensity” hay “Hàm lượng Công nghệ”...", ông Trường đánh giá.
CEO Microsoft Việt Nam: “2021 là năm bản lề cho chuyển đổi số” ảnh 4
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam tại Hội thảo “Business For Better”.
Theo Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam, các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao là những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số.
Đầu tiên, đó là TẦM NHÌN & CHIẾN LƯỢC. Ở đây, nhiệm vụ của các doanh nghiệp không đơn thuần là làm thế nào để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, mà làm thế nào để kiên cường hơn trong một thế giới đã thay đổi. Tầm nhìn được thể hiện qua chiến lược. Như vậy, doanh nghiệp cần suy nghĩ xa hơn những gì tổ chức nghĩ là có thể - đặc biệt trong thời điểm mà tốc độ và sự nhanh nhạy là thiết yếu để tồn tại.
Thứ 2 là VĂN HÓA. Văn hóa là yếu tố hỗ trợ chiến lược và tầm nhìn, cũng như kích hoạt và trao quyền cho nhân viên. Các tổ chức chuyển đổi số thành công khi toàn bộ nhân viên thống nhất và làm việc trên những giá trị và tầm nhìn mà họ được chia sẻ. Họ cần được tiếp cận với các ý tưởng, quy trình và công nghệ mới - đó là những gì cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi.
Thứ 3 là TIỀM NĂNG KHÁC BIỆT. Ở đây, doanh nghiệp nào khám phá được tiềm năng khác biệt của tổ chức sẽ đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Mọi tổ chức đều có những tiềm năng nhưng điều quan trọng là tìm ra điểm khác biệt cụ thể - một điểm mấu chốt - có thể khiến doanh nghiệp khác biệt theo một cách hoàn toàn mới.
Cuối cùng là NĂNG LỰC. Đây là sự kết hợp giữa năng lực về con người và năng lực về công nghệ. Doanh nghiệp cần có nguồn lực nhân sự được trang bị kỹ năng phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Họ cũng cần có những nền tảng công nghệ thích hợp và an toàn với khả năng trao quyền cho nhân viên tiếp cận từ xa để phát triển kinh doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.  
Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam một lần nữa khẳng định việc áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để một tổ chức chuyển đổi thành một doanh nghiệp số.
“Chính sự kết hợp giữa con người và công nghệ bên trong một tổ chức sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.  Để thành công, doanh nghiệp cần có cả tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức, và tiềm năng khác biệt. Những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới”, ông Trường cho biết.

Theo một nghiên cứu của Microsoft và IDC thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bắt buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Có tới 98% các doanh nghiệp tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE