Căng thẳng Trung - Mỹ dâng cao, giá dầu tăng

Ngoài ra, OPEC+ nhiều khả năng sẽ không tăng sản lượng dầu thô trong bối cảnh xuất hiện ngày một nhiều dự báo về kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây tổn hại đến nhu cầu năng lượng.
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Giá dầu giao hợp đồng tương lai tăng chưa đầy 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh hay còn gọi là OPEC+.

Theo nhận định của giới phân tích, OPEC+ nhiều khả năng sẽ không tăng sản lượng dầu thô trong bối cảnh xuất hiện ngày một nhiều dự báo về kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây tổn hại đến nhu cầu năng lượng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 51 cent tương đương 0,5% lên 100,54USD/thùng. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ cùng thời hạn tăng 53 cent tương đương 0,6% lên 94,42USD/thùng.

Một yếu tố khác hỗ trợ cho giá dầu chính là kỳ vọng của giới phân tích về khả năng dự trữ dầu thô tại Mỹ nhiều khả năng đã giảm ước tính 600.000 thùng trong tuần trước.

Viện Xăng dầu Mỹ (API), một tổ chức nghiên cứu ngành, dự kiến sẽ sớm công bố báo cáo kết quả dự trữ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng sẽ đưa ra báo cáo ngành vào ngày thứ Tư.

OPEC+ dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày thứ Tư. 2/8 nguồn tin từ OPEC+ cho hay việc nâng nhẹ sản lượng có thể được tính đến. Tuy nhiên, nguồn tin khác cho biết việc nâng sản lượng khó xảy ra.

OPEC+ đã hạ dự báo về thặng dư sản lượng dầu trong năm nay giảm 200.000 thùng xuống còn 800.000 thùng dầu/ngày.

“Các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng đang ngày một tin rằng OPEC+ sẽ từ chối những lời kêu gọi về việc cần phải tăng sản lượng”, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại OANDA – ông Edward Moya chỉ ra.

Căng thẳng Nga – Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022 đã khiến nhiều người lo lắng về tình trạng thiếu cung trên thị trường dầu thế giới, giá dầu lập tức lập nhiều đỉnh cao mới. Tuy nhiên khi mà ngân hàng trung ương nhiều nước nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhiều nỗi lo về khả năng tăng trưởng chững lại đã gây tổn hại đến nguồn cung.

Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng tại Mỹ, châu Âu và châu Á, tình hình các ngành sản xuất trở nên vô cùng khó khăn bởi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đi xuống, ngoài ra, các biện pháp hạn chế ngăn dịch COVID-19 mà chính phủ Trung Quốc áp dụng đã hãm đà tăng trưởng của sản xuất.

Ngoài ra, tâm lý các thị trường năng lượng thế giới cũng lo lắng sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chính thức đến Đài Loan, làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đã đặt quân đội vào trạng thái cảnh giác cao độ và khẳng định sẽ có các đợt tấn công quân sự có mục tiêu sau chuyến thăm lần này.

Phía Mỹ, trong khi đó, áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng như nhiều nước khác được cho là đã có các biện pháp giúp cho Iran bán các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu cho khu vực Đông Á. Washington cũng đang cố gắng gia tăng áp lực lên Tehran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.

Người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Liên hợp quốc khẳng định tin tốt từ Iran không đủ để làm hài lòng các thanh sát viên quốc tế và ông hy vọng Tehran sẽ minh bạch về chương trình hạt nhân của mình. Các chuyên gia phân tích nhận định thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ có thể khiến nguồn cung thế giới có thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE