Cần có mã định danh cá nhân để quản lý lao động Việt Nam tại nước ngoài

Theo chuyên gia, mỗi người lao động khi làm việc tại nước ngoài phải có mã số định danh, để khi có sự biến động cơ quan nhà nước đều quản lý được, đồng thời tránh những vấn đề xảy ra như tình trạng lao động trốn, bị lừa...
Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: kinhtetrunguong.vn
Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: kinhtetrunguong.vn

Trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bài toán quản lý lao động tại nước ngoài

Tại Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 16/8, TS. Nguyễn Đình Quốc Cường - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, hiện nay lĩnh vực xuất khẩu lao động đem lại lợi ích rất lớn cho bản thân lao động và chuyên gia cũng như đất nước. Đối với người lao động và chuyên gia thì mang lại nguồn thu nhập, đối với nhà nước thì mang lại nguồn ngân sách.

Về lợi ích lâu dài, trong quá trình chuyên gia và người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần nâng cao trình độ đào tạo, kỹ năng nghiệp vụ của người lao động. Đồng thời, hoạt động động xuất khẩu lao động đem rất nhiều lợi ích về kinh tế như giải quyết vấn đề đói nghèo.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Quốc Cường, việc quản lý lao động, chuyên gia làm việc ở nước ngoài vẫn đang là bài toán của các cơ quan quản lý, các công ty, nghiệp đoàn xuất khẩu lao động.

TS. Nguyễn Đình Quốc Cường cho biết, hiện nay có 4 vấn đề nổi cộm trong xuất khẩu lao động. Đó là tình trạng lừa đảo của các công ty môi giới, điều này phản ứng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu lao động, cũng như uy tín của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, các nghiệp đoàn nước ngoài khá e ngại khi nhắc đến lao động Việt Nam, nguyên nhân do vì một số lợi ích mà nhiều công ty xuất khẩu Việt Nam bỏ qua 1 số tiêu chuẩn của các lao động, chuyên gia. Có tình trạng lao động Việt Nam khi tham gia lao động tại nước ngoài không đủ kỹ năng, nghiệp vụ, văn hóa để bắt nhịp với việc lao động tại nước ngoài.

Thứ ba, chúng ta phải đối mặt với tệ nạn buôn người sử dụng công nghệ cao, đây là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Thứ tư là tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn cũng rất đáng quan ngại.

Đồng quan điểm về những tồn đọng trong quản lý xuất khẩu lao động Việt Nam, ông Nguyễn Lương Trào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng: cần nhìn nhận sâu sắc những tồn tại của vấn đề đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, một trong số đó là tình hình người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn lỏng lẻo, có người còn không giấy tờ, thiếu giấy tờ.

Ông Nguyễn Lương Trào cho biết việc lao động bỏ trốn khi đi làm việc ở nước ngoài có 3 xu hướng. Thứ nhất là đi nước ngoài bằng visa du lịch rồi trốn lại lao động. Thứ 2 là những người đi làm việc theo hợp đồng nhưng sau khi hết hạn hợp đồng trốn lại. Thứ 3 có người chưa hết hợp đồng đã trốn lại lao động.

"Tình hình này có thể nói đã đến mức báo động và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nó làm mất uy tín lao động Việt Nam khác và gây khó khăn cho quản lý của cơ quan nhà nước", ông Nguyễn Lương Trào nhấn mạnh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động tại nước ngoài

Từ những vấn đề còn nổi cộm, TS. Nguyễn Đình Quốc Cường cho rằng việc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý chuyên gia và người lao động Việt Nam tại nước ngoài là rất cần thiết.

Theo ông Cường, các công ty, nghiệp đoàn sử dụng hoặc đưa lao động đi nước ngoài phải xây dựng được nền tảng quản lý chuyên gia và người lao động đi làm việc tại nước ngoài và hệ thống này phải kết nối với hệ thống dữ liệu quản lý của cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, mỗi người lao động khi làm việc tại nước ngoài phải có mã định danh, để khi có sự biến động cơ quan nhà nước đều quản lý được.

Từ đó, có thể tránh những vấn đề xảy ra như tình trạng lao động trốn ở lại nước sở tại, bị lừa hoặc mua bán bởi những kẻ buôn người, giúp người lao động tìm hiểu điều kiện lao động và mức lương tại các doanh nghiệp sử dụng lao động.

Còn theo ông Nguyễn Lương Trào, cần xoay chuyển lại mục tiêu đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, từ việc trước đây là tăng thu nhập thì hiện nay phải đưa mục tiêu thành tiếp thu kiến thức trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để hướng tới công việc lâu dài hơn sau này.

Ông Nguyễn Lương Trào cho rằng phải đẩy mạnh lao động tầm cao đi làm việc ở nước ngoài là lao động được đào tạo, thậm chí lực lượng được đào tạo đại học, cao đẳng đi làm việc tại nước ngoài để học hỏi về làm việc trong nước.

Hướng tới người lao động không phải trả phí dịch vụ đi làm việc tại nước ngoài. Và để làm làm được điều này cũng phải có quy trình hợp lý.

Cần sự phối hợp đồng bộ ngay từ quá trình tư vấn đến đào tạo, đưa đi và trở về của các doanh nghiệp, cơ quan đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE