Bức tranh xuất khẩu thủy sản quý đầu năm phủ toàn gam màu sáng

Xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2022 đạt mức tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch 2,523 tỷ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021. Hai mặt hàng chính là tôm và cá tra đều đạt mức tăng trưởng lần lượt là 44,4% và 89,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 97,5 triệu USD, tăng 119% - Ảnh: Nguyễn Huyền
Tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 97,5 triệu USD, tăng 119% - Ảnh: Nguyễn Huyền

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1,020 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng dồn 3 tháng xuất khẩu thủy sản đạt hơn 2,528 tỷ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, xuất khẩu tôm trong quý 2/2022 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao. Nếu diễn biến thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu tôm trong cả năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng 10%.

Trong quý 1/2022, xuất khẩu hai mặt hàng chính là tôm và cá tra đạt 1,608 tỷ USD, chiếm 63,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản.

Xuất khẩu tôm và cá tra chiếm 63,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu tôm đạt 954,873 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm rồi. Xuất khẩu cá tra đạt 653,227 triệu USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ.

Theo bà Kim Thu - Chuyên viên phân tích thị trường tôm VASEP, xuất khẩu tôm trải qua quý 1/2022 đầy khí thế với doanh thu xuất khẩu đạt gần 955 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan này hứa hẹn một năm hoạt động tích cực của ngành tôm cả nước.

Song, vẫn còn đó những lo ngại về biến thể mới của COVID-19 và những tác động của nó, nhưng nhìn chung các hạn chế đã được nới lỏng. Các hãng hàng không hoạt động bình thường trở lại, du lịch phục hồi, đi lại dễ dàng, mảng dịch vụ thực phẩm phục hồi thuận lợi hơn. Đây được coi là một trong những yếu tố trợ lực cho đà tăng trưởng của xuất khẩu tôm trong quý đầu năm.

Báo cáo từ các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang đều lạc quan về tiến độ thả nuôi và mức độ thành công.

Liên tiếp 2 năm liền Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu tôm, với trị giá hơn 1 tỷ USD. Và trong 03 tháng đầu năm nay, Sóc Trăng là tỉnh có sản lượng xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước, đạt khoảng trên 231 triệu USD, chiếm 24,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.

Các tỉnh xuất khẩu tôm lớn tiếp theo lần lượt là Cà Mau (chiếm 24%), Bạc Liêu (chiếm 10,8%), Hậu Giang (chiếm 8,2%), TP.HCM (chiếm 6,3%).

Quý 1/2022, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. Cụ thể:

Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay đạt gần 195 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ và Mỹ tiếp tục là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều tôm nhất với tỷ trọng chiếm 20,4%.

Theo nhận định của chuyên gia, nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2022 sẽ tiếp đà tăng của năm ngoái. Doanh thu tôm trong ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ tăng vọt trong năm 2021 dù chưa phục hồi về mức trước đại dịch, và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 tiếp tục khả quan.

Trong quý 1/2022, xuất khẩu tôm sang EU đạt hơn 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu tăng vào cuối mùa hè và đầu mùa thu nên các nhà nhập khẩu và phân phối tại đây đang chuẩn bị các đơn hàng từ bây giờ.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc quý 1/2022 đạt trên 106 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu tôm sang thị trường này sau năm 2021 trầm lắng. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc trong năm nay sẽ ổn định hơn, vì trong năm nay nước này chủ trương tăng lượng thủy sản nhập khẩu lên mức 66 triệu tấn để giảm bớt nhu cầu về thịt lợn.

Tuy nhiên, quốc gia này hiện vẫn đang theo đuổi chính sách ‘Zero Covid’ nên sẽ ít nhiều tác động tới xuất khẩu tôm sang thị trường này trong thời gian tới.

“Xuất khẩu tôm trong năm 2022 sẽ vững đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thị trường vẫn tốt và ưu đãi từ các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKVFTA , RCEP… Song, diễn biến từ một số thị trường như Trung Quốc với việc duy trì chính sách “Zero Covid”, cước vận tải biển chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt ”, bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine…vẫn là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quý tới”, bà Kim Thu nhận định.

Quý 1/2022, xuất khẩu cá tra tăng “nóng” tiếp tục tăng trong quý 2

Mặt hàng cá tra, sau nhiều năm gặp khó thì kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2022 đã đạt 653,227 triệu USD, tăng tới 89,8% so với cùng kỳ.

Bà Tạ Hà – Chuyên viên phân thị trường cá tra cho hay, xuất khẩu cá tra quý 1/2022 tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu cá tra ở hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng dương từ hai tới ba con số.

Tính đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 97,5 triệu USD, tăng 119%.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ cũng tăng trưởng tốt, tính đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Lần đầu sau nhiều năm giảm sút, xuất khẩu cá tra sang EU tăng 86,2% so với quý 1/2021 với giá trị xuất khẩu đạt 46,7 triệu USD.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Tháp - địa phương có sản lượng nuôi trồng và thu hoạch cá tra lớn nhất cả nước. Thời điểm giữa tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu từ 31.000 – 32.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước) chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 24.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi cao.

Giá cá tra tăng cao, nhu cầu tiêu thụ cá tra thế giới khả quan, đơn hàng dồi dào kéo giá cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu tăng lên mức 3,4 USD/kg, tăng 0,25 USD/kg so với tháng 1/2022.

“Bức tranh xuất khẩu cá tra quý 1/2022 và các quý tiếp theo dự báo nhiều lạc quan. Quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra có nhiều điều mới mẻ. Sau khi gặp khó do chính sách ‘zero covid’ của Trung Quốc, nhiều lô hàng cá tra luôn trong tình trạng lo lắng bị trả lại nếu nhiễm virus corona thì nay giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã tăng trở lại.

“Trong quý 2/2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều sẽ giữ mức tăng trưởng dương. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga”, bà Tạ Hà đưa ra dự báo

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Những tin vui của thị trường địa ốc đầu năm

Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Chat với BizLIVE