Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Vắc xin sởi của mình cực tốt“

Cuối giờ sáng nay 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm bệnh nhân sởi tại bệnh viện Nhi Trung ương và tổ chức cuộc họp tại đây. Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Tiến đã trả lời phóng viên về tình hình của bệnh sởi tại Việt Nam.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Xin bà cho biết, nội dung của cuộc họp và tình hình bệnh sởi hiện nay như thế nào?

Hôm nay chúng tôi họp thành phần rất đầy đủ: Một chuyên gia tiêm chủng của WHO, đại diện WHO tại Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và tất cả các bệnh viện chữa bệnh nhi và bệnh lây ở Hà Nội.

Chúng tôi không mời báo chí là do phòng họp chật không có chỗ và nghe thông tin chuyên sâu rất đau đầu nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, chính xác.

Về tình hình, hiện nay Việt Nam cũng giống như Trung Quốc và Philippines, số ca mắc đều đang tăng theo chu kỳ, lặp lại chu kỳ 1999 – 2010, tổng số ca mắc không bằng nhưng tử vong cao hơn.
Nguyên nhân cơ bản là tất cả các bệnh nhân nặng đều đổ về Viện Nhi Trung ương, các viện khác như ở TP.HCM cũng có mắc sởi nhưng hầu như không tử vong. Do quá tải nên dễ nhiễm trùng bệnh viện. 

Khi tôi xin ý kiến của chuyên gia WHO ông ấy nói rằng cơ bản nhất phải nhờ truyền thông tuyên truyền, nếu nhẹ thì chữa ở tuyến của mình vì thông thường bệnh sởi là nhẹ không vấn đề gì cả. Số ca tử vong cao là do cơ địa yếu, kèm theo các bệnh mãn tính, bệnh chuyển hóa...

Nhưng tâm lý của người dân có con bị bệnh họ không yên tâm đi chỗ khác ngoài Viện Nhi Trung ương do biến chứng của bệnh quá nhanh?

Không phải quá nhanh đâu, bệnh vẫn diễn biến như bình thường nhưng tử vong cao là do số mắc của Hà Nội chiếm 30% số bệnh nhân cả nước, tử vong có đến 50% của Hà Nội. Cứ bệnh là vào đây (Viện Nhi Trung ương), khi vào đây đông như vậy thì tử vong cao.

Số bệnh nhân tử vong nhiều hơn cả giai đoạn 2009 – 2010 có phải là do virus sởi đã biến chứng không thưa bà?

Cho đến nay chúng tôi chưa phát hiện chủng mới ở cả miền bắc và miền nam. Còn độc lực có thay đổi không thì chưa trả lời được. Độc lực còn phải nghiên cứu còn lâu mới trả được.

Cách đây 5 ngày, ngành y tế chỉ công bố 25 ca thôi, hôm qua đã là 108 ca. Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế đang giấu dịch?

Nếu giấu thì đã không nói 108 ca mà chia ra 25 ca hoàn toàn tử vong do sởi. Còn những trường hợp khác là mắc bệnh khác, xong nhiễm sởi. Thứ hai là khi vào sởi rất nhẹ nhưng lại kèm trên cơ địa bệnh, chủ yếu là bệnh chuyển hóa, tim bẩm sinh thậm chí một số là tim bẩm sinh rất nặng...

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phòng dịch của Bộ Y tế quá trễ nải khi cuối tháng 2 mới bắt đầu chống dịch trong khi dịch đã bắt đầu từ cuối năm 2013?

Cuối năm ngoái chúng tôi đã làm bao nhiêu chiến dịch rồi bởi dịch sởi bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc chứ không phải không chống dịch. Mấy tỉnh Yên Bái, Hà Giang không có dịch, chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM nhưng TP.HCM không có tử vong. Còn Hà Nội tổng số ca tử vong là bằng 1/3 cả nước.

Việc có công bố dịch hay không chiều tối nay anh Hiền (ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) sẽ trả lời. Chúng tôi không có quyền vì theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì tuyên bố về vấn đề như thế nào đấy là UBND và Sở Y tế Hà Nội.

Vậy Sở Y tế Hà Nội có ý định công bố dịch không, thưa bà?

Tôi hỏi thì anh Hiền nói là phải báo cáo UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến vì theo định nghĩa thì có 5 yếu tố. Phải dựa 5 yếu tố thảo luận với Ủy ban rồi mới quyết định công bố. Như hồi Ninh Thuận công bố dịch tay chân miệng thì là quyền của UBND Ninh Thuận chứ Bộ Y tế không có quyền ép hoặc cấm họ.

Với tư cách là 1 chuyên gia về vệ sinh dịch tễ, theo bà hiện nay có nên công bố dịch không?

Tôi là nhà quản lý tôi phải phát biểu với tư cách của nhà quản lý. Nếu tôi phát biểu với tư cách chuyên gia như cũ, họ lại bảo tôi dẫm chân sang nghề của bạn tôi. Tôi đã nói với anh Hiền sáng nay, tình huống như vậy, định nghĩa như vậy, dựa trên tình hình quốc tế thì anh trả lời như thế nào, anh ấy nói là phải xin ý kiến. Sau đó Bộ Y tế mới có ý kiến được.

Theo số liệu có 4,4% bệnh nhân tiêm vắc xin đủ 2 mũi vẫn mắc bệnh trong khi diện bao phủ tiêm chủng là từ 90% đến 97%. Chất lượng tiêm chủng và diện tiêm chủng có đúng như con số đưa ra không thưa Bộ trưởng?

Vắc xin sởi của mình phải nói là cực tốt. Dây chuyền mình tự sản xuất và đang có định xuất khẩu nhưng tỉ lệ bảo vệ cao nhất chỉ là 95%. Con tôi năm nay 32 tuổi rồi trước đây chắc chắn đã tiêm nhưng vẫn mắc sởi nhẹ, rơi vào 5% vẫn bị. 

Ngoài ra tiêm mình có đạt 100% được đâu, các nước cũng vậy. Chưa kể tiêm mũi một là 97% nhưng mũi 2 chỉ có 87% vì bà mẹ sợ. Họ nghe thông tin đại chúng họ cứ sợ tai biến nhưng vắc xin sởi và viêm gan B rất an toàn, về lý thuyết như vậy, nên nhiều tiêm chủng vẫn mắc. Tiêm chủng là trên 9 tháng tuổi, nhưng có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm trước 9 tháng tuổi.

Theo Một thế giới

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE