Quay về eMagazine
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra ba điểm yếu cố hữu của ngành nông nghiệp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra ba điểm yếu cố hữu của ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam hiện vẫn đang vận hành một nền kinh tế nông nghiệp "mù mờ", buôn chuyến và đánh cược với may rủi. Trong đó, "tư lệnh" ngành nông nghiệp cho rằng "mọi cái bẫy" đối với con đường xuất khẩu nông sản đều nằm ở 3 chỗ...

Nhiều năm qua, câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng nông sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã liên tục diễn ra, gần như thành thông lệ "đến hẹn lại lên".

Tuy nhiên, như BizLIVE đã đề cập trong nhiều bản tin, cũng chưa năm nào tình trạng ùn tắc này lại diễn ra đặc biệt nghiêm trọng như giai đoạn từ trước Tết nguyên đán đến nay.

Trên cương vị người đứng đầu ngành nông nghiệp, chiều 4/3, tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý về nguyên nhân sâu xa cũng như cách tìm lời giải cho tình trạng ùn tắc nông sản.

CÁCH LÀM NÔNG NGHIỆP "MÙ MỜ"

Mở đầu phần chia sẻ, Bộ trưởng Hoan một lần nữa nhắc lại việc cách đây 3-4 năm, Việt Nam cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nghiêm trọng như thời gian gần đây.

Từ đó, Bộ trưởng nêu lên câu hỏi mở: "Khi xảy ra câu chuyện nông sản ùn tắc, chúng ta "nháo nhào tìm nguyên nhân". Một loạt câu hỏi đã được đặt ra: Tại sao lại lệ thuộc vào một thị trường lớn mà không đa dạng hóa? Sao không phát triển thị trường trong nước với 100 triệu dân? Sao không tăng chế biến hàng hóa mà lại xuất khẩu thô? Sao không chuẩn hóa chất lượng, làm ăn chính ngạch? Sao không đầu tư phát triển logistic?..."

Ông Hoan cho biết đó là những câu hỏi đã được đặt ra từ vài năm trước. Nhưng chúng ta "hay quên". Sau khi cửa khẩu được giải phóng, thì câu chuyện ùn tắc cửa khẩu lại trôi đi. "

"Chúng ta đã không kiên trì để tìm các giải pháp căn cơ, cho nên phải ứng phó khi việc cung ứng bị đứt gãy", ông Hoan nói.

Bộ trưởng nêu lên điểm bất cập là trong khi đối với bà con, những người làm ra sản phẩm có suy nghĩ cứ phải chở hoa trái lên cửa khẩu còn hơn là để chín rục tại cánh đồng thì để giảm lượng ùn tắc tại cửa khẩu, một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng việc thực hiện chặn xe hàng tại các địa phương, cách giải quyết để hàng hóa không ùn ứ như vậy là chỉ làm cái ngọn chứ không phải giải quyết vấn đề từ gốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Qua đó vị "tư lệnh" đánh giá nguyên nhân sâu xa của tình trạng ùn tắc nông sản là do cách làm kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn "mù mờ". "Mù mờ" cả phía cung và cầu, chưa đi vào quỹ đạo của kinh tế thị trường.

Ông Hoan ví von việc xuất khẩu nông sản của chúng ta đôi khi giống như người "đi buôn chuyến", "đánh cược với những may rủi của thị trường" hơn là làm ăn chuyên nghiệp, hợp tác bài bản, kết nối cung - cầu chặt chẽ.

Bộ trưởng Hoan nhìn nhận điều này bắt nguồn từ tư duy, khi tư duy ở một số địa phương vẫn là tư duy sản xuất nông nghiệp, chứ chưa phải là tư duy kinh tế nông nghiệp. Tư duy trên chỉ chú ý tạo ra sản lượng chứ chưa phải tư duy kinh tế là tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Dẫn tới sự "vênh nhau" giữa sản xuất và thị trường.

Ông Hoan thẳng thẳn chỉ ra thực tế ở các địa phương, hầu hết hoạt động sản xuất, nuôi trồng đều "thả nổi" để người nông dân tự làm. Địa phương cũng chỉ biết "cái mình có" là trồng được bao nhiêu ha. Còn các câu chuyện cụ thể hơn là "cái thị trường cần" như mùa vụ, sản lượng, chất lượng, yêu cầu của người tiêu dùng… thì chưa chắc chắn.

Thêm vào đó, Bộ trưởng đánh giá quan hệ giữa thương nhân hai nước Việt - Trung trong thời gian vừa qua cũng đang có vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của thị trường,…

Từ đó, ông Hoan nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, từ gốc, phải làm chủ được câu chuyện thị trường để hạn chế rủi ro thấp nhất".

"TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, RỦI RO LUÔN LUÔN HIỆN HỮU"

Đặt vấn đề tại sao câu chuyện ùn ứ nông sản đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn "mù mờ", vẫn chưa có lối ra bài bản, sản xuất chưa tính đến thị trường, chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng? - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nguyên nhân một phần đến từ việc mấy năm qua điều này "gần như là câu chuyện bị quên lãng".

Theo ông Hoan, nguyên nhân "lãng quên" là bởi chúng ta còn say sưa nhất định với thành tích xuất khẩu. Chúng ta nhìn vào các bản báo cáo về kết quả xuất khẩu hằng năm và hồ hởi với những kết quả đạt được. Nhưng dường như chúng ta không nghĩ tới rủi ro để có giải pháp quản trị hiệu quả.

Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

"Trong nền kinh tế thị trường, rủi ro luôn luôn hiện hữu và chuỗi cung ứng có thể "gãy" bất cứ lúc nào", ông Lê Minh Hoan nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra 3 điểm yếu cơ bản, cố hữu của ngành nông nghiệp.

Trong đó, thứ nhất là Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó. Thứ hai là Doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó. Cuối cùng là chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ.

"Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ; 'tiên trách kỷ, hậu trách nhân', nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước", vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.

Mở rộng đường cho nông sản xuất khẩu như thế nào?

Thông tin tại tọa đàm, ông Lê Minh Hoan cho biết, trong tuần tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt.

Bộ trưởng Hoan cho rằng ngành nông nghiệp tới đây sẽ phải tách bạch rõ các công việc trong công tác xuất khẩu nông sản. Việc nào bộ, ngành trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào thì hiệp hội ngành nghề làm.

"Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình. Nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc", ông Hoan nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận việc phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình chuyển đổi khi "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch".

"Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (phải) tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (phải) tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ".

hạ tầng logistics là một trọng tâm của quá trình chuyển đổi

Bày tỏ về con đường để chuyển xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch, Bộ trưởng Hoan cho rằng cần phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

Bộ trưởng cũng thông tin, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã làm việc với Bộ Công Thương và đã trình Thủ tướng Chính phủ để sau khi triển khai tại Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tại Trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là chỉ kiểm tra một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.

Theo Bộ trưởng, nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Đồng thời, nếu khi xảy ra dịch bệnh thì khu vực này là một "vùng xanh", nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.

KHÔNG THỂ CỨ "MỘT MÌNH MỘT CHỢ"

Sau câu chuyện về việc xây dựng trung tâm xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Hoan cũng thẳng thắn chỉ ra điểm quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…; rồi ngay ở chính thị trường trong nước.

"Chúng ta cũng phải tính đến một ngày nào đó tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước cũng không còn dễ tính nữa. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất nhiều", ông Hoan nêu quan điểm.

Cùng với thị trường Trung Quốc, người đứng đầu Bộ NN&TPNT cũng cho biết hiện cơ quan này đang xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU. Theo Bộ trưởng Hoan, việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia.

Sự tự bằng lòng và hài lòng của chúng ta còn quá lớn, khiến chúng ta chưa thấy hết được những rủi ro.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong việc xâm nhập thị trường này. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố trong liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.

"Tôi được biết anh em bên Trung Quốc có nói, hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã", Bộ trưởng đưa ra ví dụ.

Đồng thời, ông Hoan khẳng định chúng ta không thể một mình một chợ. Do đó phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Và ngay bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta.

Khẳng định sự quan trọng của vấn đề này, ông Hoan cho biết, sắp tới Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp ngày càng cao hơn.

VAI TRÒ "DẪN DẮT" CỦA DOANH NGHIỆP

Trước những rủi ro và rủi ro luôn luôn hiện hữu trước mắt, không thể tránh khỏi và có thể ập đến bất kỳ giờ nào, Bộ trưởng Hoan đặc biệt nhấn mạnh vai trò và niềm tin vào sự "dẫn dắt" của doanh nghiệp. Bởi theo ông Hoan, doanh nghiệp chính là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi vì doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế.

Tuy nhiên, khi chia sẻ về vấn đề tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Hoan đánh giá nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thờ ơ - dù Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương vẫn thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp về thông tin thị trường nông sản các nước.

Bộ trưởng góp ý, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định cụ thể đối với từng loại thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Đề cập đến thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại việc thị trường này đã dễ tính sang khó tính từ lâu rồi. Và họ cũng đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột.

"Nếu doanh nghiệp thấy thị trường Trung Quốc là thị trường khó tính, tầng lớp trung lưu nhiều, họ tìm kiếm nông sản không như ngày xưa nữa thì chính doanh nghiệp phải dẫn dắt người nông dân", ông Hoan nói.

Từ đó, vị "tư lệnh" cho rằng ở đây đang có câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản "dễ dãi với chính mình".

Theo ông, đối với doanh nghiệp, có thể chấp nhận ùn ứ một chuyến hàng này ở cửa khẩu, nhưng đến chuyến sau lại có lãi và lấy lại được, dù điều này cũng khó khăn chứ không dễ dàng gì.

"Nhưng đối với bà con nông dân, không bán được hàng là gần như mất trắng. Bởi bà con chỉ có bấy nhiêu đó thôi", ông nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE