Bố trí vốn địa phương cho 3 dự án cao tốc trọng điểm phía Nam tổng vốn 84.000 tỷ đồng trước ngày 30/5

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 bằng vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Bố trí vốn địa phương cho 3 dự án cao tốc trọng điểm phía Nam tổng vốn 84.000 tỷ đồng trước ngày 30/5

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 418/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần thuộc các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Công điện của Thủ tướng gửi các Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội", trong đó xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Các tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là các dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên.

Đây là các tuyến theo trục ngang kết nối trực tiếp với các đường trục dọc hiện có và đang triển khai đầu tư (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông), tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trách nhiệm của Chính phủ, địa phương là phải sớm hoàn thành các dự án này, do vậy đòi hỏi phải có sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung triển khai đầu tư để bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư 3 Dự án này bằng vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đều đã có văn bản cam kết bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, yêu cầu phải có nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thông qua số vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần mới đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nêu trên. Để kịp thời gian trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đề nghị:

Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chỉ đạo, tổ chức họp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để xem xét thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia các dự án thành phần (bao gồm mức vốn, tiến độ bố trí vốn.

Trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương được giao hoặc từ các nguồn vốn hợp pháp khác như tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định); có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước ngày 30/5/2022, đồng thời gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp trình Quốc hội.

Trước đó, theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải, tổng chiều dài của 3 dự án này khoảng 360 km, sơ bộ tổng mức đầu tư là hơn 84.000 tỷ đồng. Trong đó vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội là 9.620 tỷ (trong 113 nghìn tỷ của toàn bộ Chương trình).

Cụ thể, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng.

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 17.553 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 4.382 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE