Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hướng cơ chế quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 153 để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa cập nhật dữ liệu về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng vừa qua.

Theo đó, lũy kế 7 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/7), khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ đạt 262,25 nghìn tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, có 52,3% khối lượng phát hành có tài sản đảm bảo. Lãi suất phát hành bình quân là 8,12%/năm, tăng 0,22% so với bình quân năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,64 năm, tăng 0,13 năm so với 2021.

Về cơ cấu phát hành, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành đạt lần lượt là 33,58 % và 9,41% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đạt 4,1%; doanh nghiệp sản xuất đạt 8,7%; các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành đạt 33,6%.

Về cơ cấu nhà đầu tư sơ cấp, các NHTM mua 46,45% tổng khối lượng phát hành; các công ty chứng khoán mua 22,73%; các tổ chức và cá nhân mua 27,3% tổng khối lượng phát hành.

Cũng trong thông tin phát đi, Bộ Tài chính cho biết đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến việc sớm sửa đổi Nghị định 153, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 hôm 3/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nghị định sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế đã được “đưa lên đưa xuống” nhiều lần nhưng chưa được thông qua.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp vẫn chưa thống nhất do Bộ Tư pháp có ý kiến các quy định mới cần phù hợp với Hiến pháp, quyền con người.

“Nghị định 153 đã trình nhiều lần, tuy nhiên chưa được quyết. Hiện Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp chưa thống nhất, đề nghị đưa ra Chính phủ quyết luôn. Bộ Tài chính và Bộ Công an thống nhất siết lại một số quy định để quản lý chặt chẽ hơn”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay.

Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm việc dứt điểm vấn đề, đề nghị đưa lên trình Chính phủ nếu không giải quyết được.

SIẾT CHẶT QUY ĐỊNH THẾ NÀO LÀ "NHÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CHUYÊN NGHIỆP"

Nghị định sửa đổi Nghị định 153 là văn bản quy phạm pháp luật đang được các thành viên thị trường ngóng đợi khi vừa qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Đặc biệt là khi Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, hủy kết quả 9 đợt phát hành trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của 03 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh.

Về tổng thể, dự thảo mới nhất được Bộ Tài chính soạn thảo có nhiều điểm được "siết" lại, quy định chặt chẽ hơn so với Nghị định cũng như các dự thảo trước đó.

Cụ thể, Nghị định 153 sửa đổi theo hướng yêu cầu tổ chức phát hành sử dụng vốn đúng mục đích như công bố thông tin. Sau này kiểm tra nếu không đúng sẽ xử lý vi phạm.

Đồng thời, quản lý chặt các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án. Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở GDCK, UBCK Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.

Dự thảo mới cũng quy định về việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm theo lộ trình; chào bán cho cá nhân phải trao đầy đủ quyền sở hữu trái phiếu cho cá nhân; yêu cầu kiểm toán, thuê công ty tư vấn; nâng cao minh bạch và tài sản đảm bảo phải định giá.

Đối với nhà đầu tư mua TPDN, đây là một trong những vấn được xem là điểm chính yếu trong lần sửa đổi này, tác động rất lớn đến đối tượng được quyền mua, tham gia thị trường TPDN riêng lẻ.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư (NĐT), quy định mới yêu cầu NĐT chuyên nghiệp nắm chứng khoán với giá trị trung bình 2 tỷ trở lên trong 6 tháng.

Trước đây đối tượng mua trái phiếu là NĐT chuyên nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán, nhưng nay dự thảo nghị định mới thêm vào là đối với NĐT cá nhân thì giá trị 2 tỷ đồng đó được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 06 tháng liền kề trước ngày xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.

Quy định này được cho là để ngăn chặn một số trường hợp trước đây, các CTCK cấp khoản vay cho NĐT mua chứng khoán 2 tỷ, repo trái phiếu chính phủ và khách hàng thực tế chỉ mua chứng khoán trong thời gian ngắn để đáp ứng tiêu chí 2 tỷ.

Về trách nhiệm của NĐT mua trái phiếu, nếu NĐT sai phạm thì không chỉ có thể bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị hình sự (nếu nghiêm trọng). Ngoài ra, NĐT phải ký thêm bản cam kết trước khi mua trái phiếu sơ cấp và thứ cấp nhằm tăng thêm trách nhiệm, cấm luôn các hành vi bán hoặc cùng góp vốn đầu tư với những NĐT chứng khoán không chuyên dưới mọi hình thức; nghĩa là cấm luôn các hình thức lách luật huy động vốn qua NĐT chuyên nghiệp.

VẪN CÒN QUY ĐỊNH NGẶT NGHÈO LÀM KHÓ DOANH NGHIỆP

Đánh giá cao việc các cơ quan quản lý tích cực vào cuộc trong việc siết lại các quy định để làm minh bạch thị trường - tuy nhiên, theo một số chuyên gia, dự thảo sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo liên quan đến điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ, dẫn đến làm “khó” doanh nghiệp.

Trong đó, dự thảo quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm hạn chế việc chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thì cho rằng, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp. Khi mà việc một công ty mẹ có đủ tiềm lực, uy tín đứng ra phát hành trái phiếu rồi “bơm vốn” cho công ty con là hợp pháp; nếu bị hạn chế quyền này, năng lực của doanh nghiệp sẽ yếu đi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng việc công ty mẹ phát hành trái phiếu, để rồi từ đó lấy tiền phân bổ cho công ty con là bình thường.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE