Bloomberg: Cuộc sống của các tài phiệt Trung Quốc đang ngày một khó khăn

Cuộc sống của tỷ phú Trung Quốc trong những tháng gần đây thực sự rất khác xưa. Tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc đã biến mất khỏi công chúng từ 8 tháng nay.

Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Bloomberg
Bắc Kinh có quá nhiều công cụ để có thể kiềm chế các tỷ phú, trong đó có cả việc bắt giam trong các trường hợp đặc biệt. Các cuộc điều tra về hành vi chống độc quyền, an ninh mạng và nhiều cuộc thanh tra khác có thể coi như những cách phổ biến nhất nhằm gây ra ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghệ. 
Giám đốc trung tâm luật Trung Quốc tại đại học University of Hong Kong, bà Angela Zhang phân tích rằng chính phủ cũng sử dụng thêm nhiều biện pháp “mềm” khác ví như chiến dịch truyền thông trên các kênh của nhà nước, theo nội dung bài đăng mới đây của Bloomberg.
Người ta không thể quên được câu chuyện mà chỉ vài ngày sau khi trì hoãn đợt IPO của tập đoàn tài chính Ant, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm bảo tàng ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, bảo tàng được xây dựng bởi ông Zhang Jian, một nhà tư bản Trung Quốc thời thế kỷ 19. 
Tại đây, ông Tập Cận Bình nói đến ông Zhang Jian như một doanh nhân yêu nước và một nhà từ thiện tuyệt vời. Thay cho việc gây gián đoạn hệ thống tài chính bằng các khoản vay thiếu kiểm soát, ông xây hàng loạt nhà máy và trường học.
“Khi bạn nhìn thấy một nhân vật vĩ đại, hãy học theo người đó”, ông Tập tuyên bố. Ông kêu gọi các doanh nhân tăng cường trách nhiệm với đất nước và đảm đương các trách nhiệm xã hội.
Cuộc sống của tỷ phú Trung Quốc trong những tháng gần đây thực sự rất khác xưa. Tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc đã biến mất khỏi công chúng từ 8 tháng nay. 
Các nhà quản lý tại Bắc Kinh cách đây không lâu đã cấm ứng dụng Didi Global khỏi các kho ứng dụng, động thái thực sự tạo ra cú sốc lớn với tầng lớp doanh nhân giàu có của nước này một thời vốn được kỳ vọng sẽ thách thức tỷ phú công nghệ Mỹ như Mark Zuckerberg trong bảng tổng xếp hạng người giàu của toàn cầu.
Khoảng thời gian người siêu giàu tại Trung Quốc cứ ngày một giàu hơn dường như giờ đã chấm dứt. 
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có những biện pháp chặt chẽ hơn với giới tỷ phú trong thời gian gần đây, ông kêu gọi tăng thuế với người giàu đồng thời ký lệnh nhắm đến việc làm suy yếu các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Mỹ. Động thái này không khỏi khiến người ta nhớ đến chiến dịch chống độc quyền mà giới chức Trung Quốc đã nhắm đến các doanh nghiệp công nghệ lớn trong đó có bao gồm Alibaba Holdings hay Tencent Holdings.
Một khác biệt lớn nhất tại Trung Quốc chính là giới chức Trung Quốc có toàn quyền để làm những gì họ muốn, họ có thể hành động cứng rắn hơn rất nhiều so với các chính trị gia tại Mỹ, theo phân tích của bà Angela Zhang. 
Dù rằng người ta có thể nhìn thấy rõ quan điểm cứng rắn của giới chức Trung Quốc trong ngành công nghệ, tầng lớp tài phiệt bất động sản nước này cũng có cuộc sống khó khăn hơn trong nhiều năm trở lại đây. Giới chức Trung Quốc đã không ngừng hạn chế nguồn cung tín dụng trong nỗ lực hạn chế giá nhà tăng nóng và giảm rủi ro hệ thống tài chính. 
Tỷ phú Hui Ka Yan của tập đoàn Evergrande đã là một trong nhiều nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian gần đây. Tài sản của ông giảm đến 6,7 tỷ USD tức khoảng 30% khi mà cổ phiếu Evergrande đã giảm sâu bởi lo ngại công ty này đương đầu với tình trạng mất thanh khoản.
Có thể thấy rõ ràng sự suy yếu về tầm ảnh hưởng của các tỷ phú trong chính trường Trung Quốc thời gian gần đây. Theo công bố của Hurun, tổ chức chuyên cung cấp các xếp hạng tài sản, sự xuất hiện của doanh nhân giàu có trong nhiều sự kiện chính trị đã giảm đáng kể.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE