[BizDEAL] 4 cổ đông lớn đồng loạt thoái vốn khi Viconship định chào bán 40 triệu cổ phiếu bằng nửa thị giá

Sau thông tin Viconship sẽ trình ĐHĐCĐ bất thường phương án phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, 4 trong 5 cổ đông lớn đã bán ra tổng cộng 24,35 triệu cổ phiếu VSC, chiếm hơn 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Viconship là một trong những đơn vị khai thác cảng biển container lớn nhất tại khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng,... Ảnh: Viconship
Viconship là một trong những đơn vị khai thác cảng biển container lớn nhất tại khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng,... Ảnh: Viconship

4 cổ đông lớn bán hơn 24 triệu cổ phiếu Viconship

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 9/9, CTCP Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) dự kiến trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, với giá phát hành 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 47% so với thị giá và 21% so với giá trị sổ sách tại thời điểm cuối tháng 6/2022.

Theo tờ trình, đơn vị đầu tư chiến lược được Viconship lựa chọn chào bán là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Cảng biển TTD và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thái Bảo, mỗi bên 20 triệu cổ phiếu.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, ngày 19/8, 1 trong 5 cổ đông lớn của Viconship là bà Tạ Kim Chi đã bán toàn bộ 8,37 triệu cổ phiếu VSC và không còn là cổ đông lớn.

Tiếp đến, ngày 22/8, một cổ đông lớn khác là CTCP Thành Đức Holding cũng bán hết 6,28 triệu cổ phiếu VSC và không còn là cổ đông lớn. Cùng ngày, CTCP Tập đoàn T&D Group cũng bán xong toàn bộ 6,28 triệu cổ phiếu VSC.

Đến ngày 24/8, ông Đoàn Quang Huy cũng không còn là cổ đông lớn của Viconship sau khi bán 3,42 triệu cổ phiếu VSC, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 2,82% tương đương 3,42 triệu đơn vị.

Tổng khối lượng bán ra của 4 cổ đông nói trên là 24,35 triệu đơn vị, chiếm hơn 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Trong các phiên từ 19 tới 24/8, khối lượng giao dịch khớp lệnh cổ phiếu VCS chỉ khoảng 500-700 nghìn cổ phiếu mỗi phiên, trong khi giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn. Riêng phiên 22/8 giao dịch thỏa thuận hơn 15 triệu đơn vị. Vì vậy, nhiều khả năng các giao dịch nói trên được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Trước khi các giao dịch trên diễn ra, Viconship có 5 cổ đông lớn. Các cổ đông này bao gồm: bà Đoàn Thị Tơ (sở hữu 8,57 triệu cổ phiếu, chiếm 7,07%); bà Tạ Kim Chi, mẹ chồng bà Đoàn Thị Tơ (sở hữu 8,37 triệu cổ phiếu VSC, chiếm 6,9%); ông Đoàn Quang Huy (sở hữu 6,85 triệu cổ phiếu, chiếm 5,65%); Tập đoàn T&D Group (sở hữu 6,28 triệu cổ phiếu, chiếm 5,18%); CTCP Thành Đức Holding (sở hữu 6,28 triệu cổ phiếu, chiếm 5,18%).

Masan rót thêm 3.600 tỷ đồng vào chuỗi Phúc Long

Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN), vào ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The SHERPA - một công ty con sở hữu gián tiếp của Masan - đã mua thêm gần 10,84 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage. Sau giao dịch, Masan Group tăng sở hữu tại Phúc Long Heritage từ 51% lên 85%.

Đáng chú ý, tổng số tiền Masan chi ra để mua 34% cổ phần của Phúc Long Heritage ở lần mua thứ ba này lên tới gần 3.618 tỷ đồng, tương đương mức định giá hơn 450 triệu USD (khoảng 10.640 tỷ đồng), gấp 6 lần mức định giá ở lần mua đầu tiên.

Masan bắt đầu rót vốn vào Phúc Long từ tháng 5/2021 khi công bố thông qua The Sherpa để mua 20% vốn Phúc Long với giá 15 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng), tương ứng định giá 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2022, Masan tiếp tục thông qua The Sherpa mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này. Ở lần mua này Masan đã chi ra 110 triệu USD (2.490 tỷ đồng), tương ứng định giá 355 triệu USD (khoảng hơn 8.000 tỷ đồng).

SCIC muốn đấu giá toàn bộ 98% vốn Viwaseen với mức tối thiểu 1.349 tỷ

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến tổ chức đấu giá bán 56,9 triệu cổ phiếu, tương đương 98% vốn Tổng công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (Viwaseen) vào sáng ngày 23/9 tại HNX.

SCIC sẽ bán trọn lô với giá khởi điểm 1.349 tỷ đồng, tương đương 23.700 đồng/cổ phiếu.

Viwaseen có vốn điều lệ 580 tỷ đồng, hoạt động trong 2 lĩnh vực chính gồm xây lắp và sản xuất nước thô, nước sạch. Ngoài ra, đơn vị có kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng và quản lý tòa nhà, kinh doanh vật tư.

Trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Viwaseen không mấy khả quan khi doanh thu giảm dần từ 1.714 tỷ đồng năm 2019 xuống 828 tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận ròng cũng giảm từ 11,6 tỷ xuống lỗ 1,2 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, tổng công ty báo cáo doanh thu tăng 36% đạt 424 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ ròng 6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 12,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu của Viwaseen hiện giao dịch trên UPCoM tại mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu, không có nhiều biến động cùng thanh khoản kém.

C.E.O Group lên kế hoạch chào bán gần 260 triệu cổ phiếu

HĐQT CTCP Tập đoàn C.E.O vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành 257,34 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, công ty dự kiến phát hành gần 5,15 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động và hơn 252 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng gấp đôi lên 5.146 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu đạt xấp xỉ 2.573,4 tỷ đồng, Tập đoàn C.E.O sẽ sử dụng cho các mục đích theo thứ tự ưu tiên.

Thứ nhất là đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp thuộc dự án Sonasea Residences tại Phú Quốc (800 tỷ đồng). Kế đến là tăng vốn cho một số công ty con CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn (1.000 tỷ), Công ty TNHH C.E.O quốc tế (200 tỷ), CTCP Đầu tư và phát triển Nha Trang (200 tỷ), Tổng CTCP Đầu tư và phát triển Phú Quốc (105 tỷ), CTCP xây dựng C.E.O (51 tỷ). Còn lại hơn 217 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Chủ tịch HBC lần thứ 2 liên tiếp không mua hết lượng cổ phiếu đăng ký

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) thông báo, từ ngày 27/7 đến 25/8, chỉ mua được 1.634.600 cổ phiếu trong 6.634.600 cổ phiếu đăng ký, chiếm 24,6% tổng lượng cổ phiếu đăng ký.

Như vậy, sau giao dịch tỷ lệ sở hữu của ông Lê Viết Hải tăng từ 17,21% lên 17,86% vốn điều lệ.

Lý do không mua hết cổ phiếu đăng ký được ông Lê Việt Hải đưa ra là do diễn biến thị trường chưa thuận lợi. Theo thống kê, trong giai đoạn từ 27/7 đến 25/8, giá cổ phiếu HBC tăng khoảng 8%, diễn biến giá của cổ phiếu này chủ yếu đi ngang.

Trước đó, từ 23/6 đến 22/7, ông Hải đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HBC. Tuy nhiên, kết thúc thời gian trên ông Hải chỉ mua được 3.365.400 cổ phiếu, chiếm 33,7% tổng lượng đăng ký với lý do tương tự là diễn biến thị trường chưa thuận lợi.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Đất Xanh

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Tập trung hoàn thiện pháp lý 8 dự án lớn, huy động 3.500 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Chat với BizLIVE