Bị chiếm dụng vốn các doanh nghiệp xây dựng co kéo dòng tiền ra sao?

Hiện 100% các doanh nghiệp xây dựng đều bị nợ đọng, thậm chí một số "ông lớn" ngành xây lắp như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình,... đang bị chiếm dụng vốn hàng nghìn tỷ đồng, khiến dòng tiền kinh doanh âm và phải tăng vay nợ để có tiền trang trải. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nợ đọng vốn từ lâu đã là vấn đề nan giải trong ngành xây dựng, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt là trong hai năm đại dịch.

Theo Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), trong 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ. Tuy nhiên, điểm chung là tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít cũng từ 30 đến 50 tỷ đồng, nhiều có khi đến vài nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, khi nguồn vốn eo hẹp lại bị nợ đọng lớn, các doanh nghiệp xây dựng phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn doanh thu một quý hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ, thậm chí âm lợi nhuận.

“Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ", ông Hiệp phản ánh.

"Đọng vốn", doanh nghiệp tăng vay nợ để trang trải

Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh và dòng tiền của một số doanh nghiệp xây dựng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán có thể thấy, các khoản vốn bị chiếm dụng dưới các tên gọi khác nhau như “nợ phải thu khách hàng”, “trả trước cho nhà cung cấp”,… đang tăng lên đáng kể.

Điển hình, tại CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD), dù doanh thu thuần trong quý 2/2022 tăng gần 29%, lên 3.281 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế lại âm gần 24 tỷ đồng.

Việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ năm 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận ròng quý 2 của công ty.

Theo đó, chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng đột biến lên 360 tỷ đồng trong quý 2, chủ yếu do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 242 tỷ đồng.

Coteccons cho biết một trong những dự án công ty phải trích lập dự phòng nặng nề nhất là của Công ty Ngôi sao Việt - một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019 và mặc dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, nhưng trong quý 2/2022, Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng thêm 242 tỷ đồng cho dự án này, nâng số trích lập dự phòng lũy kế 2020-quý 2/2022 lên đến 484 tỷ đồng.

Việc phải tăng mạnh chi phí dự phòng đã khiến Coteccons ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình gần 20 tỷ đồng nên công ty chỉ còn lỗ ròng gần 24 tỷ đồng trong quý 2.

Tại ngày 30/6/2022, quy mô tài sản của Coteccons là 16.457 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Coteccons, với 9.140 tỷ đồng, chủ yếu là nợ của khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 919 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm.

Khoản phải thu ngắn hạn, trả trước cho người bán của Coteccons tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2022 - Trích BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022 của CTD

Khoản phải thu ngắn hạn, trả trước cho người bán của Coteccons tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2022 - Trích BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022 của CTD

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons âm gần 1.300 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ dương 220 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của Coteccons thâm hụt lớn là do sự gia tăng của các khoản chiếm dụng vốn. Giá trị phải thu của khách hàng và trả trước cho nhà cung cấp tăng thêm 884 tỷ đồng trong nửa đầu năm, trong đó, khoản chiếm dụng vốn của Bất động sản Ngôi sao Việt lên tới 484 tỷ đồng, ngoài ra một đối tác khác là Đầu tư Minh Việt cũng đang khiến Coteccons “đọng vốn” và suy giảm lợi nhuận vì trích dự phòng tới 122 tỷ đồng.

Trích lập cho các khoản phải thu khó đòi cũng là nguyên nhân chính khiến doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Coteccons dù tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 5.193 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc kẹt vốn buộc Coteccons phải vay nợ tài chính để trang trải khiến dư nợ vay mới trong 6 tháng đầu năm của Coteccons lần đầu tiên đạt trên 1.316 tỷ đồng, bao gồm hơn 786 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn và hơn 530 tỷ đồng vay nợ tài chính dài hạn, trong khi đầu năm gần như không có. Việc vay nợ cũng khiến chi phí lãi vay trong kỳ của ông lớn xây lắp phát sinh khoảng 30 tỷ đồng.

Bù lại, đến cuối quý 2, Coteccons có tổng cộng 2.250 tỷ đồng khoản tiền, tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất từ khoảng 2,9% tới 7%/năm. Ngoài ra, công ty còn có 1.248 tỷ đồng đầu tư trái phiếu có thoả thuận mua lại. Trái phiếu này có kỳ hạn không quá một năm và hưởng lãi suất từ 7,5% - 12%/năm.

Nửa đầu năm, số tiền gửi ngân hàng đem về cho Coteccons 56,5 tỷ đồng cùng với khoản lãi từ cho vay và đầu tư góp vốn giúp công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ lên 228 tỷ đồng. Các khoản tiền gửi ngân hàng đã được Coteccons sử dụng làm tài sản thế chấp để đi vay ngân hàng, giải quyết dòng tiền.

Khoản phải thu ngắn hạn tăng cao và âm dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng là vấn đề mà CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đang gặp phải dù ghi nhận sự cải thiện đáng kể về doanh thu.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Xây dựng Hoà Bình đạt 7.126 tỷ đồng (sau soát xét), tăng 31% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 56 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với nửa đầu năm ngoái.

Trích BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022 của HBC

Trích BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2022 của HBC

Dù doanh thu nửa đầu năm tăng nhưng các khoản phải thu ngắn hạn của Xây dựng Hoà Bình cũng tăng 1.475 tỷ đồng trong khoảng thời gian này. Trong đó, riêng phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng tăng 656 tỷ đồng, phải thu khách hàng và trả trước người bán tăng 558 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh âm 1.358 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ thặng dư hơn 691 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình tăng khoảng 1.713 tỷ đồng so với đầu năm lên 18.289 tỷ đồng, phần lớn mức tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn (gần 13.013 tỷ đồng), trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng là 5.832 tỷ và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng hơn 5.391 tỷ đồng. Công ty cũng đã trích lập dự phòng gần 405 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Và cũng như Coteccons, dòng vốn của Xây dựng Hòa Bình đang phải dựa chính vào hoạt động tài chính. Nợ phải trả đến 30/6/2022 của Hòa Bình là 14.472 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 89%, tương đương 12.911 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm. Bên cạnh nợ phải trả các nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nợ vay đang chiếm tỷ lệ lớn nhất với 6.534 tỷ đồng, bao gồm 5.466 tỷ đồng vay ngắn hạn (tăng 16,3% so với cùng kỳ) và 1.068 tỷ đồng vay dài hạn (tăng 168,3%).

Việc vay nợ ở mức cao khiến công ty chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay (235 tỷ đồng), riêng trong quý 2, chi phí lãi vay của công ty ở mức gần 148 tỷ đồng, vượt cả lợi nhuận gộp.

Nợ đọng vốn vì các khoản phải thu gia tăng không phải câu chuyện riêng của các doanh nghiệp xây lắp lớn trên sàn mà còn là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành xây lắp.

Trong 6 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (mã SDD) ghi nhận 16,4 tỷ đồng doanh thu và 3,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn lại tăng gần 233 lần so với đầu năm, lên 81,2 tỷ đồng, trong khi khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ hơn 5 tỷ xuống 3,8 tỷ.

Nợ phải trả của SDD cũng tăng mạnh trong kỳ, từ 116 tỷ đồng lên 194 tỷ đồng, vay nợ tài chính 81,8 tỷ đồng, chiếm hơn 42% trong cơ cấu nợ.

Dù vẫn duy trì được dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương nhưng dòng tiền của SDD đã giảm từ 4,88 tỷ đồng xuống 492 triệu đồng.

Tương tự, nửa đầu năm 2022, khoản phải thu ngắn hạn của CTCP Đầu tư Xây dựng Lương Tài (mã LUT) cũng tăng mạnh gần 58% lên 144 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây dựng cũng nợ đọng lẫn nhau hàng chục nghìn tỷ

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, hiện 100% doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng. Thậm chí, có những doanh nghiệp số nợ phải thu vượt xa vốn chủ sở hữu, điển hình như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tính đến 31/3/2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỷ đồng.

Hay Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), tính đến cuối tháng 6/2022, vốn chủ sở hữu 1.078 tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ đọng hơn 3.600 tỷ đồng và phải dự phòng nợ khó đòi gần 1.190 tỷ...

Đáng chú ý, việc "đọng vốn" không chỉ xảy ra giữa các đối tác ngoài ngành với các doanh nghiệp xây lắp mà số liệu từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam còn cho thấy, có ít nhất 20-30% doanh nghiệp xây lắp cũng đang nợ lẫn nhau.

Tại một tọa đàm hồi cuối tháng 8, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, số tiền các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau lên tới 60.000 tỷ đồng. Cùng với tồn kho gia tăng, việc nợ vay lẫn nhau cũng chính là nguyên nhân khiến vòng quay tiền chậm lại.

“Trước đây, thời gian gia hạn nợ giữa các doanh nghiệp cho nhau là 45 ngày. Tuy nhiên gần đây, đã có những doanh nghiệp nới thời gian cho đối tác vay từ 45 ngày lên 90 ngày, nhưng vẫn không trả nợ đúng hạn”, TS.Cấn Văn Lực nói và cho rằng hiện tượng “đọng vốn” tại doanh nghiệp là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Cũng theo vị chuyên gia, việc các doanh nghiệp hiện nay nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn, một phần là hệ lụy từ việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khác, đặc biệt là khi kênh huy động vốn tín dụng đang chưa được “nới” room và thị trường trái phiếu bị thắt chặt sau sự cố liên quan đến trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích nguyên nhân chính của nợ đọng xây dựng đối với đầu tư công là do thủ tục thanh quyết toán phức tạp, nhất là với những dự án có khối lượng phát sinh vì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên tốn nhiều thời gian.

Với những dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai nên khi có biến động bất thường thì thì không có tiền trả cho nhà thầu. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư còn chây ỳ không trả hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm khiến các doanh nghiệp xây dựng phải xoay xở để bán đi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xây lắp lại không được cấp phép hoạt động lĩnh vực kinh doanh bất động sản nên không có kinh nghiệm và tiếp tục rơi vào bế tắc khi phải xử lý tình huống này.

Từ thực tế trên, ông Hiệp đề xuất, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính cần rà soát lại toàn bộ việc nợ đọng xây dựng hiện nay để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Còn đối với vốn ngoài ngân sách, nên có cơ chế hợp đồng là 20% cuối cùng của chủ đầu tư buộc phải có bảo lãnh thanh toán. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sở kế hoạch và đầu tư các địa phương cần công khai danh sách những chủ đầu tư nợ đọng xây dựng để có cảnh báo cho họ phải nghiêm túc hơn nếu muốn đầu tư tiếp.

Đọc tiếp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Hà Nội giảm 61 xã, phường sau sắp xếp lại

Sáng 25/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND Thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Chat với BizLIVE