Bất động sản Trung Quốc suy giảm mạnh khiến kinh tế chịu tác động trên diện rộng

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo rằng ước tính khoảng 20% doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang đương đầu với rủi ro mất thanh toán.
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Sự đi xuống của thị trường bất động sản Trung Quốc đã gây tổn hại đến cả các ngân hàng và chính quyền địa phương, đe dọa gây ra tác động lớn lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo báo Nikkei, tỷ lệ vỡ nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc trong vòng 12 tháng qua đã tăng vọt khi mà thêm ngày một nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc trả nợ.

Nếu tính cả các vụ trả nợ chậm, đã có 99 doanh nghiệp vỡ nợ nội địa trong vòng 1 năm tính đến ngày 8/8/2022, cao gấp 2,2 lần so với 1 năm trước, theo thông tin từ Wind Information.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo rằng ước tính khoảng 20% doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang đương đầu với rủi ro mất thanh toán.

Chính phủ Trung Quốc “đứng đằng sau” những thay đổi này khi áp dụng biện pháp hạn chế cứng rắn hơn vào năm 2021 với các khoản thế chấp và việc các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận. Các biện pháp phong tỏa theo chính sách không COVID-19 của Trung Quốc cũng góp phần tạo ra thêm áp lực.

Nếu tính theo số lượng nhà bán, doanh số bán nhà mới trong khoảng thời gian nửa năm đầu giảm đến 27% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán nhà tháng 7/2022 giảm 13% so với tháng 6/2022. Còn trên khoảng 100 thành phố chính tại Trung Quốc, doanh số bán nhà giảm đến 27% so với cung fkỳ, theo số liệu của doanh nghiệp nghiên cứu bất động sản China Index Academy.

Các ngân hàng đã bắt đầu cảm nhận được “sức nóng”. Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 26% tổng các khoản tín dụng tại Trung Quốc trong khi đó tỷ lệ này tại Nhật ở thời kỳ đỉnh cao của bong bóng bất động sản Nhật ước tính khoảng từ 21 đến 22%. Tỷ lệ nợ xấu trong nhóm 4 ngân hàng nhà nước của Trung Quốc tăng hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2021 lên 3,8%.

Khi không thể tiếp cận được với nguồn tiền, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tạm dừng các dự án xây nhà ở. Gần 4% các căn nhà bán ra trong khoảng thời gian 4 năm tính đến tháng 6/2022 đều có vấn đề, theo tính toán của chuyên gia Yan Yuejin thuộc Viện Nghiên cứu E-house tại Thượng Hải

Kết quả, những người mua nhà đang phản đối mạnh mẽ. Người mua nhà tại hơn 300 dự án chưa hoàn thành giờ đây đang từ chối thanh toán. Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các khoản vay bất động sản trị giá ước tính 900 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 133 tỷ USD tương đương 1,7% các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Để có thể ngăn tình trạng bất ổn trong ngành tài chính, Trung Quốc đang bơm ước chừng khoảng 320 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng trong năm nay. Một phần của các quỹ này được lấy từ tiền của các đợt chào bán trái phiếu hạ tầng vốn đã được điều hướng sang các ngân hàng.

Chính quyền các địa phương hiếm khi có năng lực tài chính vững vàng độc lập.

Khi mà các đợt giãn thuế làm suy giảm nguồn thu, chính quyền các địa phương phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ bán quyền sử dụng đất của nhà nước cho các doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2020, doanh thu từ bán đất lần đầu tiên cao hơn doanh thu thuế.

Tuy nhiên những doanh nghiệp bất động sản vốn đang khó khăn về tài chính không thể có đủ tiền để thu xếp đất cho các dự án bất động sản nhà ở mới. Thu nhập từ đất của chính quyền các địa phương trong nửa đầu năm 2022 giảm 31% và dự kiến tính cả năm sẽ giảm lần đầu tiên trong 7 năm. Tình hình khó khăn trong ngành bất động sản cũng đã gây tổn hại nặng nề đến nguồn thu liên quan đến thuế bất động sản.

Việc thu nhập bị sụt giảm gây ra hậu quả tệ hại. S&P Global ước tính rằng khoảng 30% chính quyền các địa phương có thể trong tình trạng tài chính vô cùng khó khăn ở thời điểm cuối năm nay, chính vì vậy sẽ cần đến những hành động điều chỉnh như giảm chi tiêu.

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch lập ra quỹ bất động sản quy mô ước chừng khoảng 300 tỷ nhân dân tệ nhằm giúp cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn, thế nhưng có một nguồn tin từ chính phủ cũng khẳng định rằng: “Rõ ràng như vậy quá ít”.

Suốt 2 thập kỷ qua, bất động sản đã luôn là động lực chính của kinh tế Trung Quốc. Bất động sản và các ngành nghề liên quan hiện chiếm khoảng 29% GDP Trung Quốc, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ chưa đầy 10% ở thời điểm cuối năm 1990, số liệu của giáo sư Kenneth Rogoff thuộc đại học Harvard cho hay. Trong khi đó tỷ lệ này tại Mỹ, châu Âu hay Nhật, tỷ lệ này ở dưới ngưỡng khoảng 20%.

Ông Rogoff ước tính rằng khi đầu tư liên quan đến bất động sản giảm ước chừng khoảng 20%, GDP Trung Quốc sẽ có thể giảm từ 5-10%. Bất động sản và xây dựng hiện đang đóng góp khoảng 15% tổng việc làm tại khu vực đô thị, chính vì vậy nếu lĩnh vực này khó khăn, sự mất ổn định việc làm sẽ xảy ra.

Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào cú sốc sụt giảm vào năm 2015, tiêu dùng cá nhân cao đã giúp khôi phục lại nền kinh tế. Tuy nhiên giờ đây người tiêu dùng Trung Quốc đang vô cùng “thắt lưng buộc bụng” bởi thị trường lao động đã khó khăn trong thời gian dài. Tuy nhiên, khả năng chính sách can thiệp mạnh tay khó xảy ra.

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE