Bất chấp phá sản, FTX vẫn đi gọi vốn

Sam Bankman-Fried tìm cách hoàn trả tài sản cho người dùng, kể cả sau khi FTX đã nộp đơn phá sản.
Sam Bankman-Fried đã từ chức CEO của sàn giao dịch FTX. Ảnh: CNBC.
Sam Bankman-Fried đã từ chức CEO của sàn giao dịch FTX. Ảnh: CNBC.

Theo WSJ, sau khi đơn xin phá sản, Sam Bankman-Fried nghĩ rằng mình có thể huy động đủ tiền để trả lại người dùng đã mất tài sản vì FTX. Ông cùng vài cộng sự đã dành cả cuối tuần vừa qua để họp trực tuyến nhằm kêu gọi vốn.

WSJ cho biết Sam Bankman-Fried đã cố gắng đàm phán với các sàn giao dịch đối thủ như Coinbase, Kraken, các quỹ đầu tư và đầu cơ để huy động hơn 8 tỷ USD. Binance, sàn giao dịch lớn nhất thế giới cũng hủy thương vụ mua lại FTX vì các cáo buộc.

Đến nay, Sam Bankman-Fried vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản cứu trợ nào. WSJ không thể xác định FTX sẽ đổi gì để được nhận tiền từ nhà đầu tư. Ngày 11/11, FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Sam Bankman-Fried cũng từ chức Giám đốc điều hành của công ty. Đến nay, ông vẫn còn là cổ đông lớn nhất của sàn.

Sam Bankman-Fried cho biết ông đang xem việc bảo vệ khách hành là tiêu chí hàng đầu sau cú sụp đổ của FTX.

Thông báo phá sản của FTX khiến nhiều nhà đầu tư phẫn nộ. Trước khi đệ đơn, Sam cho biết trên Twitter rằng công ty vẫn ổn. Tuy nhiên, đoạn tweet này đã bị xóa khi FTX phá sản. Trong tài liệu xin phá sản gửi lên tòa án, FTX cho biết công ty hiện có hơn 100.000 chủ nợ hợp pháp. Ngoài ra, danh sách mắc nợ có thể mở rộng hơn 1 triệu người.

Theo đó, những khách hàng có tài sản bị mắc kẹt trên FTX được xem là một chủ nợ của công ty. Tuy không phổ biến ở Việt Nam như Binance, lượng người dùng thường xuyên ở sàn FTX vẫn khá lớn.

Nhóm hỗ trợ của FTX, dành riêng cho người dùng Việt có gần 10.000 thành viên. Trao đổi với Zing, đa số nhà đầu tư sử dụng sàn giao dịch nói trên cho biết họ đều bị mắc kẹt tài sản ở nền tảng, không kịp rút về ví tiền số.

“Website và ứng dụng không thể đăng nhập từ ngày 9/11. Tôi còn vài nghìn USD trên sàn hiện không thể rút về được”, ông Tuấn Anh, ngụ tại TP.HCM nói.

Bên cạnh người dùng cá nhân, một vài tổ chức lớn đã lên tiếng về việc mất tiền. Amber Group cho biết họ giữ khoảng 10% tổng số vốn giao dịch trên FTX. Số tiền này hiện không thể rút về. Quỹ Sequoia góp vào sàn giao dịch này 213 triệu USD năm 2021. Khi FTX phá sản, họ nhanh chóng tuyên bố không liên quan và chấp nhận mất trắng số tiền.

Galaxy Digital, Multicoin Capital, Galois, Paradigm, Genesis Trading, Holdnaut… là những công ty khác bị đóng băng tài sản ký quỹ ở FTX. Tổng số tiền trị thiệt hại từ nhà đầu tư tổ chức trị giá hàng tỷ USD. Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa lên tiếng.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE