Quay về eMagazine
Bách Hóa Xanh đưa MWG “vượt ải” Covid-19, khả năng bứt tốc tăng trưởng còn bỏ ngỏ?

Bách Hóa Xanh đưa MWG “vượt ải” Covid-19, khả năng bứt tốc tăng trưởng còn bỏ ngỏ?

Mirae Asset đánh giá MWG đã đi vào giai đoạn bão hòa và mức tăng trưởng bền vững đối với doanh thu và lợi nhuận trên 10% là khả thi.

VƯỢT SÓNG GIÓ NĂM 2020

Ngành bán lẻ là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Coivd-19 đặc biệt trong quý 2 do các biện pháp cách ly xã hội được thực hiện nhằm khống chế dịch bệnh. Lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đều bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí báo lỗ tuy nhiên Thế giới Di động (mã MWG) vẫn duy trì mức tăng trưởng dương tương đối khả quan.

Năm 2020, MWG ghi nhận mức tăng trưởng 6% doanh thu đạt 108.546 tỷ đồng, và tăng trưởng 2% lợi nhuận sau thuế đạt 3.920 tỷ đồng so với 2019. Biên lợi nhuận gộp đạt 22,1% và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Biên lãi gộp của hầu hết các ngành hàng chính được cải thiện nhờ MWG chủ động đa dạng hóa danh mục sản phẩm với nhiều thương hiệu và phân khúc giá khác nhau; tập trung đẩy mạnh doanh số các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt và cải thiện các điều khoản thương mại với nhà cung cấp do lợi thế quy mô doanh thu ngày càng lớn.

Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu và lợi nhuận của MWG vẫn ghi nhận tăng trưởng dương năm 2020

Theo ngành hàng, thị trường đa số các sản phẩm công nghệ và điện tử tiêu dùng năm 2020 tăng trưởng âm so với cùng kỳ (ngoại trừ máy tính xách tay và thiết bị đeo) trong đó, điện thoại và điện tử bị ảnh hưởng nặng nhất, ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số so với năm 2019. Ngược lại, TGDĐ/ĐMX vẫn hoạt động hiệu quả trong mảng điện lạnh, điện gia dụng.

Đáng chú ý, sau 6 tháng triển khai, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) đã mở rộng quy mô lên 302 cửa hàng tại 61/63 tỉnh thành. Chuỗi này đã đóng góp hơn 850 tỷ đồng doanh thu lũy kế cho MWG, tương đương doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt ổn định hơn 1 tỷ đồng/ tháng.

 
BÁCH HÓA XANH ĐẠT ĐIỂM HÒA VỐN

Trong năm 2020, Chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) đóng góp xấp xỉ 20% trong tổng doanh số của MWG với mức doanh thu 21.260 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ nhờ mở rộng mạnh mẽ hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh thành Nam Bộ và Nam Trung Bộ và tăng trưởng doanh số tích cực của các cửa hàng cũ.

Đến cuối năm 2020, BHX có 1.719 cửa hàng tại 24/63 tỉnh thành (tăng 711 điểm bán so với cuối năm 2019) với doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt xấp xỉ 1,25 tỷ đồng/tháng.

Biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát đạt trên 24% cả năm 2020, tăng 5% so với cùng kỳ nhờ cải thiện các điều khoản thương mại với nhà cung cấp hàng FMCGs và tối ưu hiệu quả khâu mua hàng tươi sống. Với biên lợi nhuận gộp này, BHX đã có lời EBITDA (chưa bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng và trung tâm phân phối (DC) cho cả năm 2020.

 

Cuối tháng 12, BHX có tổng cộng 182 cửa hàng “500m2” tại 19 tỉnh thành với doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tại TP.HCM (nơi có 1/3 số cửa hàng) đạt xấp xỉ 3 tỷ đồng/tháng và tính chung cho cả hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng do BHX đang triển khai mô hình này với mật độ dày đặc hơn và mở rộng ra thị trường tỉnh.

Bên cạnh đó, kênh BHX online cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2020 về cả số lượng và doanh thu so với năm trước đó. Tháng 12/2020, với 20 trung tâm phân phối, BHX online phục vụ trung bình 7.000 giao dịch mỗi ngày cho khách hàng tại 11 tỉnh thành, những ngày cao điểm lên đến 10.000 đơn hàng.

KHÓ DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG CAO

Năm 2021, ban lãnh đạo MWG đánh giá thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở lại đà tăng trưởng hai chữ số với doanh thu thuần dự kiến đạt 125.000 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,6% và 37,7% so với kế hoạch của năm 2020.

Chuỗi ĐMX Supermini đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm 2021. Hoạt động kinh doanh bán lẻ thiết bị di động và điện máy vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, kỳ vọng đóng góp khoảng 75% tổng doanh số của MWG.

Ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu dự kiến tiếp tục tăng trưởng và giúp BHX nâng tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu lên khoảng 25% năm 2021. Mục tiêu có khoảng 2.500 cửa hàng vào cuối năm 2021.

Trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ mới đây, Mirae Asset cho rằng MWG đã đi vào giai đoạn bão hòa và khả năng tăng trưởng cao như giai đoạn 2015-2019 là rất khó. Thay vào đó, mức tăng trưởng bền vững đối với doanh thu và lợi nhuận của MWG trên 10% được cho là khả thi.

Theo Mirae Asset, FMCG sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán lẻ. Do ảnh hưởng của Covid-19, doanh số bán hàng thiết yếu dự kiến sẽ tốt hớn các mặt hàng không thiết yếu. Điều này dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2021.

Bách Hóa Xanh đưa MWG “vượt ải” Covid-19, khả năng bứt tốc tăng trưởng còn bỏ ngỏ? ảnh 4
Chi tiêu thiết yếu và không thiết yếu và Tiêu thụ theo danh mục (nghìn tỷ VND)

Do đó, BHX được dự báo sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy doanh thu nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Ngược lại, chuỗi ĐMS được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận bù đắp cho khoản lỗ của chuỗi tạp hóa với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 23%, cao hơn so với chuỗi TGDĐ và ĐMX.

Mặt khác, Mirae Asset cho rằng rủi ro lớn nhất đối với người kinh doanh tạp hóa là sự cạnh tranh gay gắt từ cả những công ty đang hoạt động cũng như rủi ro gia tăng số lượng đối thủ mới tham gia thị trường. Vì thị trường có sức hấp dẫn cao, nhiều nhà bán lẻ lớn sẽ tham gia tranh giành thị phần. Trong khi đó, thương mại điện tử vẫn chưa phải là mối đe dọa đáng kể đối với cửa hàng truyền thống trong lĩnh vực tạp hóa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE