Apple giảm sản xuất iPhone và tai nghe Airpods vì ế?

Quy mô thị trường thu hẹp, những bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu người dùng khiến Apple buộc giảm lượng tồn kho sản phẩm.
Sức tiêu thụ của iPhone bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn toàn cầu
Sức tiêu thụ của iPhone bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn toàn cầu

Theo Nikkei Asia, Apple dự định cắt khoảng 20% sản lượng iPhone SE 2022 (tương đương 2-3 triệu máy) trong quý tới so với kế hoạch ban đầu. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chiến tranh tại Ukraine và lạm phát đang bắt đầu làm suy giảm nhu cầu người dùng.

Hồi đầu tháng 3, Apple trình làng iPhone SE - điện thoại giá rẻ đầu tiên của hãng có tích hợp kết nối 5G. Tuy vậy, “Táo khuyết” xác nhận với nhiều nhà cung cấp giảm đơn đặt hàng sản xuất khoảng 2-3 triệu thiết bị trong quý này do nhu cầu thấp hơn dự kiến.

Những năm trước, 2 phiên bản iPhone SE 2016 và 2020 không đạt doanh số cao nếu so với các model khác., iPhone SE 2020 chỉ chiếm 12% tổng doanh số iPhone kể từ khi máy này ra mắt cho đến quý 4/2021.

iPhone SE là sản phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ của Apple

iPhone SE là sản phẩm chiếm tỷ trọng nhỏ của Apple

iPhone SE 2022 ra mắt ngày 8/3 và được bán từ 18/3. Máy duy trì kiểu dáng giống iPhone SE 2020 và iPhone 8 từ năm 2017. Sản phẩm có kích thước tương đương iPhone 13 mini, nhưng màn hình nhỏ hơn, chỉ 4,7 inch, do viền dày, đi kèm cảm biến vân tay ở cạnh dưới. Thiết bị cũng gây nhiều tranh cãi cả về thiết kế, cấu hình lẫn mức giá 429 USD - cao hơn mức 399 USD của các đời iPhone SE trước.

Ngoài ra, Apple cũng giảm hơn 10 triệu đơn đặt hàng tai nghe AirPods cho cả năm 2022 bởi dự đoán nhu cầu với sản phẩm này khá thấp.

Theo Counterpoint Research, Apple xuất xưởng khoảng 76,8 triệu AirPods trong năm 2021. Công ty cắt lượng đặt hàng tai nghe không dây với các đối tác cũng nhằm giảm tồn kho của sản phẩm.

Apple cũng yêu cầu sản xuất ít hơn vài triệu đơn vị đối với toàn bộ dòng iPhone 13 so với kế hoạch trước đó. Sự điều chỉnh này dựa trên nhu cầu thấp điểm của mùa mua sắm.

Động thái này của Apple cho thấy áp lực ngày càng lớn với ngành công nghệ sau khi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine bùng nổ. Tình trạng thiếu hụt chip tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như smartphone, máy tính, xe hơi. Ngoài ra, tổng cầu sản phẩm cũng bị suy giảm bởi tình trạng bất ổn diễn ra ở nhiều quốc gia có liên quan.

Dữ liệu từ IDC cho thấy Apple là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 3 ở Nga, với doanh số khoảng 5 triệu iPhone, chiếm 16% thị phần vào năm ngoái. Công ty Mỹ cũng là hãng PC số 5 tại thị trường Nga.

Apple chủ động cắt giảm sản lượng iPhone 13, iPhone SE mới

Apple chủ động cắt giảm sản lượng iPhone 13, iPhone SE mới

1 đối tác cung cấp linh kiện của Apple nhận định “Táo khuyết” trở nên cẩn trọng trong quý 2/2022 là điều dễ hiểu bởi chiến tranh ảnh hưởng đến chi tiêu tại các thị trường châu Âu. Người dùng tiết kiệm hơn, chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, khí đốt.

Các chuyên gia nhận định động thái của công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng giảm sản lượng iPhone có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với những nhà sản xuất điện tử tiêu dùng khác.

Brady Wang, nhà phân tích công nghệ của Counterpoint Research cho biết thị trường điện thoại thông minh đang chứng kiến mức tồn kho cao bất hợp lý và sẽ phải điều chỉnh lại.

Nhu cầu smartphone được dự đoán giảm ở châu Âu, Trung Quốc

Nhu cầu smartphone được dự đoán giảm ở châu Âu, Trung Quốc

“Chúng tôi thấy nhu cầu đối với điện thoại thông minh ở Trung Quốc khá yếu. Counterpoint Research giảm mức dự báo tăng trưởng thị trường smartphone năm 2022 xuống 5%. Cuộc chiến Ukraine đang diễn ra cũng có thể mang lại những bất ổn”, Brady Wang cho biết.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE