Áp lực tăng giá điện rất lớn, cấp bách nhưng nhiều băn khoăn

Chuyên gia cho rằng đây là vấn đề cấp bách, nhưng còn nhiều băn khoăn trong dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân…
EVN đã và đang nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ (Ảnh minh họa)
EVN đã và đang nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ (Ảnh minh họa)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến, làm chi phí sản xuất điện tăng rất cao. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý; song những điểm trong Dự thảo quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được lấy ý kiến cũng đang tạo ra nhiều băn khoăn.

Trước áp lực lớn

Tính toán của EVN hồi tháng 6, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 VND/kWh (không gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại 2019-2021 của các đơn vị phát điện). Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019.

Dù EVN đã nỗ lực cố gắng để tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện... để giảm lỗ, nhưng với các giải pháp trong nội tại vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm. EVN đã ghi nhận khoản lỗ trên 16.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Việc này tạo ra áp lực tăng giá điện rất lớn.

Đây cũng chính là nguyên nhân Bộ Công Thương đề xuất cho EVN được quyền tăng giá điện bán lẻ khi chi phí đầu vào biến động làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% đến 5% trong Dự thảo đang được lấy ý kiến.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo quy định khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm. Và ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng.

Nhiều băn khoăn

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), dự thảo phân cấp cho EVN được điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5%, thấp hơn so với mức 3% đến dưới 5% trước đây. Quy định này được xem là có thể nới thêm quyền cho EVN được tự quyết định tăng giá với biên độ nhiều hơn mỗi khi có biến động giá đầu vào.

“EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho doanh nghiệp sẽ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Long quan ngại.

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, việc xác định chi phí đầu vào biến động tăng 1% rất nhạy cảm vì dung sai nhỏ. Bởi, nếu tăng 1% chi phí đầu vào đã cho tăng 1% giá điện sẽ khiến tần suất tăng giá điện nhiều sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, hộ sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), việc EVN được tự điều chỉnh khi thông số đầu vào thay đổi 1% cần nhắc kỹ khi đưa ra quyết định.

“Mức biến động 1% giá thành đầu vào hoàn toàn có thể được tạo ra từ cơ chế trong sổ sách kế toán. Nếu EVN nói giá đầu vào tăng bao nhiêu thì chúng ta cũng biết vậy? Giá than phối trộn để sử dụng cho các nhà máy điện có nhiều loại, trong nước có, nhập có… Vậy bóc tách chi phí thế nào? Nếu không làm rõ được mức tăng 1% là do đâu thì việc tăng sẽ rất khó thuyết phục”, ông Sơn phân tích.

Trong khi đó, dù trong Dự thảo quy định rõ về thẩm quyền và mức tăng giá, song ông Sơn lại cho rằng, trong trường hợp giá giảm, lại chỉ nêu chung chung là “khi giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng”.

“Dự thảo đã không quy định cụ thể khi giá thành giảm ở mức bao nhiêu thì giá bán lẻ điện bình quân sẽ phải giảm theo, mức tương ứng như thế nào đều không nêu rõ. Giả dụ, trong trường hợp các chi phí đầu vào giảm 2% thì giá điện có giảm ngay lập tức không, rồi thời hạn bao giờ áp dụng, cơ quan nào có thẩm quyền điều chỉnh giảm đều không nêu rõ. Trong trường hợp giá thành giảm mức dưới 5% thì EVN có được quyền giảm giá hay không, hay phải báo cáo, xin ý kiến các bộ ngành liên quan?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Cần có thị trường điện cạnh tranh

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn căn cứ cho phép EVN được tự quyết tăng giá khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5%. Trường hợp nếu nới thêm quyền cho EVN được tự quyết tăng giá, phải đi kèm với các ràng buộc, yêu cầu thẩm định việc tăng giá đến từ các yếu tố nào, có hợp lý hay không; yếu tố nào phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để đảm bảo tính minh bạch, công bằng với người tiêu dùng.

Còn theo ông Hà Đăng Sơn, việc quyết định tăng giá điện phải có cơ quan giám sát độc lập, thỏa mãn các điều kiện theo quy định thì mới được điều chỉnh. Cùng với đó, với quy định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân được đưa ra cụ thể trong dự thảo thì đổi lại các mức giảm cũng cần phải nêu rõ thẩm quyền điều chỉnh ở các mức để công bằng với người tiêu dùng.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính, vấn đề lâu dài chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước.

“Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn nắm giữ thế độc quyền ở khâu bán lẻ điện. Điều đó đồng nghĩa với việc, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn, được quyền quyết định xem mua điện từ nhà cung cấp nào, với giá thành ra sao. Khi ấy, các nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE