7,2 triệu sản phẩm “made in Vietnam” được bán qua Amazon

Theo nhận định, nếu coi thương mại điện tử B2C là ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới
Doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo báo cáo xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử tại Việt Nam do Amazon công bố, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.

Báo cáo nhận định nếu coi thương mại điện tử B2C là ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Các thống kê trong báo cáo của Amazon được thực hiện bởi AlphaBeta thông qua việc khảo sát hơn 300 doanh nghiệp, siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai

Theo thống kê được công bố trước đó, có hàng nghìn doanh nghiệp bán hàng online xuyên biên giới, với 7,2 triệu sản phẩm “Made in Vietnam” được bán cho khách hàng của Amazon trên toàn cầu. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt hợp tác với Amazon năm 2021 tăng 48% so với năm trước.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo tổ chức ở Hà Nội ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh về xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới: “Thị trường thương mại điện tử toàn cầu dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025.

Cùng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới”.

Tuy vậy, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập với doanh nghiệp Việt Nam như thiếu thông tin về các quy định liên quan về thị trường nước ngoài, chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng tâm lý, sở thích của người tiêu dùng nước ngoài, chưa chuẩn bị kỹ năng, kiến thức marketing, chưa xây dựng định hướng kinh doanh về thương mại điện tử xuyên biên giới…

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu: “Chương trình hợp tác của Bộ Công Thương với Amazon hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho khoảng 10.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2026”. Thứ trưởng kỳ vọng chương trình hợp tác thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đưa sản phẩm thương hiệu Việt đi khắp nơi trên thế giới qua kênh thương mại điện tử.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE