5G sắp bùng nổ ở Đông Nam Á

Việc triển khai 5G được xem là bệ phóng thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ở nhiều nước trong khu vực.
5G sắp bùng nổ ở Đông Nam Á

Ngày 11/10, Hội nghị ASEAN về 5G diễn ra tại Hà Nội, ngay sau phiên toàn thể khai mạc Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 (Việt Nam International Digitak Week - VIDW2022). Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Sự kiện quy tụ lãnh đạo cấp cao, đại diện bộ ngành của các nước ASEAN cùng nhiều tổ chức quốc tế đến tham gia đối thoại.

Tại hội nghị, nhiều nước ASEAN đều chung nhận định về việc 5G đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế trong khu vực. Việc triển khai 5G được xem là bệ phóng thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ở nhiều nước.

Từ năm 2020, Việt Nam được xem là quốc gia sớm thí điểm và ứng dụng 5G. Hiện tại, 5G được thử nghiệm ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G, đồng thời thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu... và đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số có kết nối 5G.

Theo ông Lê Thái Hòa - Phó cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G giảm và 5G ngày càng tăng. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều nước ASEAN cũng cho thấy sự quan tâm trong việc phát triển 5G. Là quốc gia triển khai 5G sớm trong khu vực, ông Wan Reza - Phụ trách Văn phòng 5G của Bộ Thông tin Truyền thông Malaysia cho biết, từ năm 2018, nước này nhận ra tiềm năng của 5G như nhân tố thay đổi cuộc chơi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Khi đó, Malaysia đã thành lập cơ quan để thúc đẩy sự phát triển của 5G.

Malaysia tiến hành thử nghiệm 5G lần đầu vào tháng 12/2021. Mức độ bao phủ 5G tại đây tăng từ 5,8% năm 2021 lên 36% năm 2022. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng độ bao phủ 5G lên 80% vào năm 2023-2024 và 90% trong giai đoạn 2025-2029.

5g
5G phủ sóng gần như toàn bộ thủ đô Bangkok

Thái Lan cũng thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi và thử nghiệm 5G ở nhiều băng tần khác nhau. Quốc gia này có lộ trình triển khai 5G nhưng gặp khó khăn bởi sự xuất hiện của đại dịch. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng 5G tại thủ đô Bangkok lên tới gần 100%.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cho biết nước này đang cân nhắc bài học từ các quốc gia để triển khai 5G. Lào cấp phép cho 2 nhà mạng để thử nghiệm 5G. Tuy vậy, chỉ có khoảng 5% thiết bị viễn thông tương thích với 5G, 95% còn lại tương thích 4G. Do đó, cần giải pháp tăng số lượng thiết bị hỗ trợ 5G.

Kỷ nguyên 5G đến gần

Nhận định về tương lai của 5G trong phần phát biểu tại hội nghị, ông Eric Guo, Giám đốc Giải pháp không dây của Huawei Việt Nam cho rằng kỷ nguyên 5G sẵn sàng với hệ sinh thái thiết bị ngày càng đầy đủ và ứng dụng trên quy mô lớn.

Hơn 70 quốc gia ra mắt dịch vụ 5G, đặt nền tảng cho việc triển khai trên thế giới. Trên 220 mạng 5G với hơn 2,2 triệu trạm phát sóng phục vụ 700 triệu người dùng.

5g
Ông Eric Guo cho biết dự kiến 5G đóng góp 960 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Đến năm 2030, dự kiến 5G đóng góp 960 tỷ USD vào GDP toàn cầu. Bắt kịp dòng chảy của thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN nói riêng đang bước vào giai đoạn phát triển 5G thần tốc, tiến tới thay thế 50% kết nối 4G vào năm 2030.

Hệ sinh thái thiết bị tăng cả về chất lẫn lượng cũng thúc đẩy 5G tăng tốc. Hiện có hơn 1.500 thiết bị đầu cuối 5G khả dụng, gần 160 mẫu smartphone trang bị 5G giá chỉ dưới 300 USD, giá trung bình CPE của 5G giảm xuống chỉ còn 150 USD. Như vậy, 5G ngày càng tối ưu hóa chi phí và hiệu suất, dễ dàng tiếp cận người dùng và có thể thương mại hóa mạnh khi tung ra thị trường.

Theo đại diện Huawei, 5G là cốt lõi của cạnh tranh số, nền tảng của chuyển đổi số (kinh tế số, xã hội số, chính phủ số…), đem đến tăng trưởng số cho các quốc gia. 5G cho phép các ứng dụng mới có thể chuyển đổi ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Nhà mạng tính toán băng tần cho 5G

5G cần băng tần trung dưới 6 GHz cho dịch vụ chất lượng cao và băng tần dưới 1 GHz cho kết nối rộng, hỗ trợ cho Internet vạn vật, công nghiệp 4.0. Tối ưu băng tần là “chìa khóa” để đảm bảo độ khả dụng và hiệu suất của 5G. Các quốc gia thử nghiệm về sự hài hoà giữa các dịch vụ di động và vệ tinh ở băng tần 3.5 GHz, chuẩn bị cho các băng tần khác cho 5G.

Các nhà mạng có 300 MHz băng thông tần số là điều cần thiết để đạt được khả dụng 5G trong ngắn hạn. Các băng tần trung TDD và băng tần 700 MHz là những lựa chọn ưu tiên cao để thu hẹp cách biệt.

“Nếu tính nhà mạng đang chưa có tần số 5G, băng thông tần số của các nhà mạng Việt Nam và Myanmar, Malaysia vẫn nằm dưới mức trung bình của khu vực. Để thành công trong kinh doanh, mỗi nhà mạng cần ít nhất 300 MHz băng thông cho tất cả loại hình dịch vụ”, ông Eric Guo nhấn mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu kết nối tần trung, dải trung tần TDD (3.5/2.6/2.3/4.9) là phổ chính cho trải nghiệm liền mạch trong thời gian ngắn, với 100 MHz trên mỗi nhà mạng (MNO) được khuyến nghị để mở khóa tiềm năng của 5G.

Hơn 80% mạng 5G hiện nay được triển khai trên băng tần trung. Hệ sinh thái thiết bị đầu cuối kết nối dải trung TDD cũng phát triển đầy đủ, phổ biến nhất là 3.5 Ghz với 1.061 thiết bị, 2.6 Ghz với 973 thiết bị…

Ngoài ra, do nhu cầu của các dịch vụ, như metaverse, VR, AR… thế giới đang hướng tới triển khai 5,5G. GSMA và 3GPP đề xuất sử dụng băng tần 6 GHz để triển khai 5G nâng cao. 6 GHz sẽ trở thành lựa chọn phổ biến trong vài năm tới.

80% các nhà khai thác di động hàng đầu cũng cho biết sẽ triển khai 6 GHz cho các dịch vụ IMT. Dự kiến đến năm 2025, các thiết bị và cơ sở hạ tầng IMT 6 GHz sẽ có mặt trên thị trường.

Tại nhiều quốc gia, dải tần dưới 1 GHz (700-900MHz) cũng là lựa chọn phổ biến để triển khai 5G hiện tại để tăng khả năng phủ sóng trong nhà.

700 MHz là băng tần thấp phổ biến cho 5G, chỉ sau băng tần C-Band. Phần lớn quốc gia ASEAN quy hoạch để phân bổ phổ tần 700 MHz cho IMT-2000. Băng tần này có phạm vi phủ sóng rộng hơn nhờ hiệu quả về chi phí triển khai, bao phủ sâu để sử dụng trong nhà, cùng hệ sinh thái thiết bị lớn. Do đó, 700 MHz là điều kiện tiên quyết của kết nối 4G, 5G phổ biến trên toàn quốc, cũng như làm nền tảng cơ bản cho VoNR (thoại trên 5G) & IoT.

Các nhà mạng cần đưa ra giải pháp kết hợp phổ tần giúp tăng tốc triển khai và sử dụng 5G. Thế hệ băng tần từ thấp đến cao đều có lợi thế riêng, cần cân bằng giữa dung lượng và vùng phủ sóng. Để thành công, nhà mạng phải tối ưu băng thông liền kề trên mỗi mạng, thúc đẩy phát triển công nghệ kép một mạng theo yêu cầu, trung lập về công nghệ, đẩy mạnh dịch vụ di động.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE