5 tuyến cáp quang Internet được sửa xong trong tháng 6

Tính đến ngày 3/5, 2 tuyến cáp quang biển quốc tế IA, SMW3 hoàn thành việc sửa chữa giúp kết nối Internet ổn định hơn.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thông tin được ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ sáng 5/5.

Theo đó, tính đến ngày 3/5, việc kết nối của 2 tuyến IA, SMW3 trở lại bình thường. Các tuyến AAE-1, AAG dự kiến hoàn thành trong tháng 5, còn cáp quang biển APG sẽ được kết nối trở lại trong tháng 6.

Ông Nguyễn Thành Phúc cho rằng hiện tại Internet kết nối quốc tế gần như không bị ảnh hưởng so với thời điểm trước sự cố, không có tình trạng nghẽn không sử dụng được dịch vụ.

Trước đó, từ tháng 2, cả 5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam với quốc tế (IA, AAG, APG, AAE-1, SMW3) đồng loạt gặp sự cố. Trong đó, 2 tuyến cáp quang là AAE-1 và AAG trục trặc từ tháng 10/2022 chưa được sửa chữa.

Các nhà mạng tại Việt Nam thông báo triển khai nhiều biện pháp tạm thời khắc phục sự cố như san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối, bổ sung lưu lượng trên các tuyến cáp đất liền nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế… Tuy vậy, tốc độ Internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn bị ảnh hưởng.

Theo dịch vụ phân tích hiệu suất, tốc độ truy cập Internet của các nhà mạng SpeedTest, tốc độ tải xuống trên mạng di động ở Việt Nam giảm theo đường gấp khúc trong tháng 2 và 3 (44,07 Mps và 43,32 Mps) do sự cố 5 tuyến cáp rủ nhau trục trặc. Tốc độ tải lên trên mạng di động cũng bị ảnh hưởng tuy không nặng nề bằng.

Với đường truyền cố định, tốc độ tải xuống cũng lần đầu tiên giảm (từ 91,6 Mps xuống 91,24 Mps) trong tháng 3, sau khi tăng đều đặn 12 tháng trước đó.

Các nhà mạng đua nhau phát triển tuyến cáp quang mới

Hiện tại, VNPT, Viettel cùng khai thác 3 tuyến cáp quang biển AAE-1, AAG, APG. Ngoài ra, VNPT còn có kết nối với tuyến SMW3, trong khi Viettel còn tuyến IA.

Cả 5 tuyến cáp các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia đầu tư đều thuộc những liên minh viễn thông do nhiều quốc gia, nhà mạng quốc tế cùng quản lý do đặc thù các cáp đi qua hải phận của nhiều nước. Do vậy, khi cáp gặp sự cố, các nhà mạng trong nước không thể chủ động sửa chữa. Nhiệm vụ sửa chữa thuộc về một số doanh nghiệp thuộc liên minh.

Trong năm nay, Viettel sẽ đưa tuyến ADC vào hoạt động. Đây sẽ là tuyến cáp quang biển có băng thông lớn nhất từ trước đến nay vào Việt Nam. Với chiều dài 9.800 km kết nối với các hub (trung tâm kết nối) tại Nhật và Singapore. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 290 triệu USD.

Năm 2024, VNPT cũng dự kiến tham gia khai thác tuyến SJC2 với dung lượng sở hữu 18 Tbps. Tuyến này kết nối 2 hub tương tự ADC.

Trong khi đó, FPT Telecom dự kiến tham gia vào tuyến cáp quang biển ALC với tổng mức đầu tư 87 triệu USD.

Tuyến ALC dài khoảng 6.000 km có các điểm cập bờ tại Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Phillipines, Brunei và Singapore, với tổng dung lượng 18 Tbps. Các chủ sở hữu của tuyến cáp quang biển ALC gồm China Telecom, DITO Telecommunity, Globe Telecom, Singtel, Unified National Networks.

Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm 4-6 tuyến cáp quang biển để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo Kinhdoanhvaphattrien

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE