5 tuyến cáp cùng trục trặc, Việt Nam tiếp tục "rớt hạng" trong bảng xếp hạng Internet

Tốc độ tải xuống trên mạng di động hay cố định đều giảm mạnh khiến Việt Nam tụt lại trên bảng xếp hạng tốc độ Internet thế giới.
Cáp quang đồng loạt hỏng ảnh hưởng lớn tới tốc độ Internet tại Việt Nam
Cáp quang đồng loạt hỏng ảnh hưởng lớn tới tốc độ Internet tại Việt Nam

Dịch vụ phân tích hiệu suất, tốc độ truy cập Internet của các nhà mạng SpeedTest vừa công bố báo cáo Chỉ số Internet Toàn cầu về tốc độ mạng Internet của các quốc gia trong tháng 3.

Theo đó, trong tháng 3, tốc độ trung bình mạng di động tại Việt Nam đạt 43,32 Mbps và tốc độ trung bình mạng cố định đạt 91,24 Mbps.

Top 10 quốc gia có tốc độ Internet di động (bên trái) và cố định cao nhất thế giới

Top 10 quốc gia có tốc độ Internet di động (bên trái) và cố định cao nhất thế giới

Về tốc độ mạng di động, Việt Nam xếp hạng 51 thế giới (tụt 1 bậc so với tháng trước) và xếp ở vị trí thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á, sau Brunei (xếp hạng 20 - tốc độ trung bình 78,09 Mbps), Singapore (22 - 76,48 Mbps) và Malaysia (45 - 47,72 Mbps).

Về tốc độ mạng cố định, Việt Nam xếp hạng 40 thế giới (tụt 1 bậc so với tháng trước) và cũng xếp thứ 4 tại Đông Nam Á, thua kém Singapore (xếp hạng nhất - tốc độ trung bình 235,40 Mbps), Thái Lan (6 - 201,02 Mbps), Malaysia (37 - 93,81 Mbps).

Hồi tháng 2, toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đồng loạt gặp sự cố. Trong đó, 2 tuyến cáp quang là AAG (Asia America Gateway) và AAE-1 (Asia - Africa - Europe 1) trục trặc từ tháng 10/2022 vẫn chưa được sửa chữa.

Các nhà mạng tại Việt Nam thông báo triển khai nhiều biện pháp tạm thời khắc phục sự cố như san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối, bổ sung lưu lượng trên các tuyến cáp đất liền nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế… Tuy vậy, tốc độ Internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn bị ảnh hưởng.

Điều này được thể hiện trên biểu đồ của SpeedTest. Tốc độ tải xuống trên mạng di động ở Việt Nam tăng khá đều từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023 (47,41 Mps) trước khi giảm theo đường gấp khúc trong tháng 2 và 3 (44,07 Mps và 43,32 Mps) do sự cố 5 tuyến cáp rủ nhau trục trặc. Tốc độ tải lên trên mạng di động cũng bị ảnh hưởng tuy không nặng nề bằng.

Tốc độ tải xuống trên mạng di động ở Việt Nam giảm theo đường gấp khúc

Tốc độ tải xuống trên mạng di động ở Việt Nam giảm theo đường gấp khúc

Với đường truyền cố định, tốc độ tải xuống cũng lần đầu tiên giảm (từ 91,6 Mps xuống 91,24 Mps) trong tháng 3, sau khi tăng đều đặn 12 tháng trước đó.

Theo bảng xếp hạng của SpeedTest, tốc độ mạng Internet tại Việt Nam thuộc nhóm tầm trung trên thế giới. Nếu tính trong phạm vi toàn châu Á, tốc độ mạng cố định của Việt Nam xếp ở vị trí thứ 13 và tốc độ mạng di động xếp ở vị trí thứ 15.

Kế hoạch dự kiến về sửa chữa, khắc phục sự cố trên 5 tuyến cáp quang biển quốc tế được các đơn vị quản lý cáp biển thông báo với các nhà mạng Việt Nam. Theo đó, tuyến AAG dự kiến sửa xong vào 15/4, tuyến APG được sửa từ ngày 22/3 đến ngày 9/4, tuyến IA sửa từ ngày 5/4 đến ngày 15/4. Riêng tuyến AAE-1 có thời gian sửa chữa dự kiến trong tháng 7/2023. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, cả 5 tuyến cáp quang biển đều đang tiếp tục lỗi.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, quá trình khắc phục lỗi gặp khó khăn do cáp nằm sâu dưới đáy biển. Việc xin phép các nước để tiếp cận vị trí cáp, thời tiết cũng không dễ dàng. Ngoài ra, không loại trừ khả năng khắc phục xong vấn đề cũ lại phát hiện lỗi mới, nên thời gian hoàn thành bị chậm.

“Các tuyến cáp quang đều thuộc sở hữu và quản lý của liên minh gồm nhiều doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng Việt Nam không thể chủ động trong việc khắc phục”, vị này chia sẻ thêm.

Theo Kinhdoanhvaphattrien

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE