4 quốc gia có tiềm năng giải quyết khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu

Trung Đông tăng công suất lọc dầu sẽ đủ để bù đắp lượng dầu Nga thiếu hụt khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công suất lọc dầu toàn cầu bị thu hẹp trong đại dịch COVID-19, làm bộc lộ các điểm yếu ở một số nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng sụt giảm công suất lọc dầu, ví dụ như tại Trung Quốc và Trung Đông, công suất lọc dầu lại đang tăng lên.

Theo Bloomberg, Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Iraq đang tăng cường năng lực lọc dầu, với tổng lượng bổ sung hơn 1 triệu thùng mỗi ngày. Nhờ lượng dầu bổ sung này, các nhà máy lọc dầu Trung Đông có thể xử lý khoảng 8,8 triệu thùng dầu thô/ngày trong năm tới.

Mức tăng này gần bằng với lượng nhiên liệu Nga bị Liên minh châu Âu cấm vận bắt đầu từ cuối năm nay. Theo một số người, việc Trung Đông tăng công suất lọc dầu sẽ đủ để bù đắp lượng dầu Nga thiếu hụt khi lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực. Về mặt lý thuyết, điều đó là có thể xảy ra. Trên thực tế, các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông sẽ tìm kiếm những người mua sẵn sàng trả giá cao nhất.

Nếu người mua này là Liên minh châu Âu (EU), thì Mỹ cũng giảm bớt một mối lo lớn. Mỹ đang xuất khẩu rất nhiều nhiên liệu sang EU cũng như các thị trường khác và có lo ngại rằng chính vì xuất khẩu nhiều mà giá nhiên liệu bán lẻ trong nước của Mỹ cao kỷ lục. Mỹ đã giảm công suất lọc dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong hai năm qua và dự kiến giảm nhiều hơn trong những năm tới.

Trong khi đó, Saudi Arabia đang mở rộng nhà máy lọc dầu Jazan, có kế hoạch tăng cơ sở sản xuất dầu diesel lên hơn 200.000 thùng/ngày, bắt đầu từ quý 1/2023.

Còn Kuwait đang xây dựng một nhà máy lọc dầu mới là Al-Zour, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2022 nhưng đang bị chậm tiến độ. Cơ sở lọc dầu trị giá 16 tỷ USD này sẽ là một trong những cơ sở lớn nhất ở Trung Đông khi đi vào hoạt động với công suất 615.000 thùng/ngày.

Oman cũng đang xây dựng một nhà máy lọc dầu mới. Cơ sở tên là Duqm, trị giá 8 tỷ USD, sẽ có công suất 230.000 thùng/ngày khi hoàn thành, dự kiến ​​sẽ hoạt động vào cuối tháng 3/2023.

Iraq đang thực hiện ba dự án nhà máy lọc dầu, bao gồm dự án nâng cấp trị giá 4 tỷ USD cho một cơ sở hiện có ở Basrah, một nhà máy lọc dầu mới 140.000 thùng/ngày ở Karbala, dự kiến ​​đi vào hoạt động trong năm nay và một cơ sở mới trị giá 7 tỷ USD ở Faw với công suất 300.000 thùng/ngày do.

Bahrain cũng đang tham gia tăng công suất lọc dầu ở Trung Đông khi nâng cấp nhà máy lọc dầu Sitra, dự kiến ​​hoàn thành vào năm tới, nâng công suất của nhà máy lên 400.000 thùng/ngày.

Các diễn biến trên cho thấy có vẻ như khả năng lọc dầu bổ sung khá ổn định khi các nhà máy lọc dầu ở những nơi khác ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu thấp hơn so với mức cầu không chỉ diễn ra ở phương Tây. Giá nhiên liệu ở châu Á cũng đang tăng.

Khi Trung Quốc tăng công suất lọc dầu trong hai năm qua, có thời điểm, các nhà phân tích đã cảnh báo công suất lọc dầu bổ sung đó là quá nhiều. Nhưng hiện tại, công suất bổ sung này dường như là cần thiết nhưng không được sử dụng.

Với mục tiêu giảm phát thải, Trung Quốc đã hạn chế hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu khi cũng phải tìm cách giải quyết lượng nhiên liệu tồn đọng quá nhiều trong dịch COVID-19. Vì vậy, Trung Quốc có năng lực lọc dầu nhưng chủ ý không sử dụng. Tất nhiên, điều này có thể thay đổi khi lượng dầu tồn kho ở Trung Quốc trở về bình thường và đây sẽ là thay đổi mà các nước châu Á hoan nghênh.

Tuy nhiên, có vẻ như công suất lọc dầu mới tập trung chủ yếu ở châu Á và Trung Đông. Điều này có nghĩa là châu Âu và ở một mức độ nhỏ hơn là Mỹ, sẽ vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của nước ngoài cho dù nỗ lực giảm bớt phụ thuộc.

Theo Báo Tin tức

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE