18 di sản UNESCO: Việt Nam đang “đánh rơi” hàng tỷ đô la?

Hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài vào các dự án xung quanh 18 di sản thế giới dường như đang bị Việt Nam “bỏ quên”.

Bến trung tâm quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Bến trung tâm quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

“Nếu xét trên bình diện kinh tế, việc Việt Nam sở hữu tới 18 Di sản của thế giới chính là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút thêm nhiều tỷ USD vốn FDI”.

Đó là khẳng định của không ít chuyên gia kinh tế ngoại khi chia sẻ với BizLIVE tại các diễn đàn kinh tế được tổ chức ở Việt Nam.

Những “trục di sản UNESCO”

Điểm lại một lượt các Di sản thế giới mà Việt Nam đang sở hữu có thể thấy chủ yếu tập trung ở một số khu vực, trong các mối liên kết chặt chẽ về kinh tế, vô hình chung tự nó đã hình thành nên các trục Di sản tại một số vùng kinh tế trọng điểm.

Xét trên phương diện địa lý, các di sản thế giới chủ yếu tập trung ở hai khu vực phía Bắc và Trung Bộ.

Ở khu vực phía Bắc, đây là vùng tập trung các Di sản với mật độ khá dày, đặc biệt là các Di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Chỉ tính riêng khu vực Tam giác phát triển Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng đã sở hữu tới 5 di sản thế giới gồm đủ các loại hình Di sản tiêu biểu như: Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu.

Điểm mặt 5 di sản thế giới ở đây là: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với 2 lần được UNESCO vinh danh; Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Hát Ca trù, Bia đá Tiến sỹ triều Lê Mạc và Hội Gióng ở đền Phù Đổng - Đền Sóc (Hà Nội).

Tại Hải Phòng, quần thể đảo Cát Bà đã từng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2004 và mới đây đang đệ trình tổ chức này xem xét công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Mở rộng phạm vi trên toàn vùng phía Bắc, mật độ di sản thế giới tăng lên đáng kể với các di sản được công nhận tại các tỉnh như: Quan họ Bắc Ninh, Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng ở Phú Thọ, Mộ bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang, mới đây nhất là danh thắng Tràng An tại Ninh Bình.

Như vậy, nếu tính cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc có tới 10 di sản thế giới và 1 di sản đang trong quá trình xét duyệt công nhận là đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Không những thế, vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày của trầm tích văn hóa lâu đời, ngoài các di sản đã được thế giới công nhận, khu vực phía Bắc còn sở hữu khối lượng các di sản đồ sộ được vinh danh ở cấp độ Nhà nước với hàng ngàn đình, đền, miếu mạo, các di sản văn hóa, nghệ thuật và lễ hội độc đáo.

Chỉ cần liệt kê về mặt số lượng di sản cũng đã thấy được tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này

Dải đất miền Trung cũng đặc biệt để lại ấn tượng với bất kỳ ai quan tâm đến Việt Nam. Khu vực này mang nhiều vai trò hết sức quan trọng với mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta.

Trong đó, điều làm cuốn hút biết bao bước chân du khách chính là do dải đất này đang mang trên mình hàng loạt các di sản độc đáo của thế giới với 7 di sản được UNESCO công nhận và vinh danh.

Các di sản từ lâu đã trở nên quen thuộc không chỉ với người dân nơi đây mà còn vươn xa nằm lại trong ký ức của bạn bè quốc tế.

Một trục di sản được hình thành theo cả chiều dài của miền Trung bắt đầu từ Thanh Hóa cho tới tận Phú Yên.

Các di sản phải kể đến là: Thành nhà Hồ (Thanh Hóa); Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình và Mộc bản triều Nguyễn (Thừa Thiên Huế); Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam); Đàn đá và kèn đá (Phú Yên) đang được chính UNESCO đề nghị tỉnh lập hồ sơ xét duyệt trở thành di sản văn hóa độc đáo nhất của nhân loại với niên đại cách đây hơn 2.500 năm.

Ngoài ra, dải đất miền Trung còn là nơi sở hữu những vịnh, bãi biển thuộc hàng đẹp nhất thế giới ở Đà Nẵng, Nha Trang và Mũi Né (Bình Thuận)…

Tiềm năng lớn là vậy nhưng trong nhiều năm qua, hầu như nước ta vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng hoặc chí ít cũng có sự phát triển tương xứng.

“Bỏ quên” hàng tỷ USD

Về lĩnh vực du lịch và dịch vụ, đây được coi là “sở trường” hay điểm mạnh nhất của các di sản đặc biệt các di sản được thế giới công nhận.

Sự hấp dẫn của việc hình thành nên các trục di sản không phải chỉ là lý thuyết mà thực tế đã chứng minh được điều này.

Đơn cử như năm 2012 được chọn là năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ  với chủ đề “Du lịch di sản”.

Chỉ riêng 6 tỉnh thuộc khu vực này đã có tới 4 di sản thế giới, các hoạt động chủ yếu chỉ tập trung phát triển du lịch nhưng sáng kiến liên kết phát triển du lịch các di sản ở thời điểm đó đã đem lại những kết quả ấn tượng và để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp trong lòng du khách.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, kết thúc năm du lịch 2012 với chủ đề di sản, doanh thu và lượng khách du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã tăng trên 20% so với năm 2011.

Chỉ tính riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã đón gần 3 triệu lượt khách, tăng hơn 25% so với năm 2011, doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 4.500 tỷ đồng.

Mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc, với "chủ đề di sản", du lịch Việt Nam đã đạt nhiều con số ấn tượng.

Theo thống kê của ngành du lịch, Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục với gần 7 triệu lượt đồng thời doanh thu của ngành cũng đạt mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, với mức đạt khoảng 8 tỷ USD.  

Trong nhiều năm trở lại đây, mức độ quan tâm của dư luận và du khách ngày một tăng lên khi hai từ di sản thường xuyên được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt ở nước ngoài.

Do đó, việc kết nối các di sản thế giới thành hệ thống “trục di sản”, phối hợp chặt chẽ với các dịch vụ đi kèm như nghỉ dưỡng, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, quà tặng… sẽ mở cửa cho hàng tỷ đô vốn ngoại chảy vào Việt Nam thông qua các dự án.

Về khía cạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài nhìn từ tiềm năng các di sản thế giới ở Việt Nam.

Những năm qua, dường như chúng ta đang quá “mê mải” với hàng loạt chiến lược thu hút đầu tư vào các KCN-KCX, các dự án trọng điểm của địa phương mà “quên” mất rằng, nước ta đang sở hữu những tiềm năng mà rất ít các quốc gia trên thế giới có được: đó là các Di sản.

Thông qua các di sản, bằng việc khơi gợi sự tò mò khám phá về du lịch, rất nhiều cơ hội về đầu tư sẽ mở ra cho Việt Nam.

Lấy một ví dụ nhỏ về đất nước Thái Lan, với 13 di sản thế giới các loại, họ đã khá thành công trong việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án kinh doanh để phục vụ các di sản.

Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), trong một cuộc hội thảo về du lịch đã từng chia sẻ với báo chí: Tại một hội nghị quốc tế về du lịch và đầu tư, khi tôi hỏi những du khách Pháp tại sao họ lại chọn đi du lịch Thái Lan.

Điều bất ngờ là, họ trả lời ở tại Pháp họ chỉ được tiếp cận với các thông tin về Thái Lan, đồng thời đến các nơi gọi là di sản thế giới của Thái Lan có rất nhiều thứ “thân quen” với người Pháp.

Chữ “thân quen” theo lý giải của du khách đó là, xung quanh các di sản của Thái Lan có nhiều dịch vụ do nhà đầu tư Pháp cung cấp như: Khu nghỉ dưỡng phong cách Pháp, nhà hàng với món ăn Pháp, quà tặng và mua sắm…

Như vậy có thể thấy, đối với các di sản thế giới, không chỉ tập trung phát triển du lịch tại chỗ mà việc thu hút đầu tư vào các dự án phục vụ nhu cầu khách du lịch cũng nên được quan tâm.

Trong bối cảnh tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta nhiều năm qua, vẫn đang tiềm ẩn xu hướng chậm lại với những biểu hiện thất thường của dòng vốn FDI.

Có lẽ, đã đến lúc ngành kế hoạch đầu tư nên xem xét và có chiến lược chuyển hướng kêu gọi đầu tư vào các dự án FDI dựa trên tiềm năng từ việc hình thành trục các Di sản thế giới ở Việt Nam.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE