11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng

Theo chuyên gia, thực tế công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao, người công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lương thấp khiến người lao động ồ ạt rút BHXH

Sáng 10/6, tại hội thảo "Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội" do Báo Tiền phong tổ chức, chia sẻ về thực trạng tình hình thu nhập, việc làm của công nhân, TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay tình hình lao động khá khởi sắc, số người có việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng so với năm ngoái. Lực lượng lao động trên cả nước có khoảng 50 triệu người, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Mặt khác, tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước. Cùng với đó, thu nhập người lao động cũng tăng so với quý trước dù chưa đáng kể, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 6,4 triệu đồng/ tháng.

Theo TS. Vũ Minh Tiến, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất (người thu nhập thấp, người nghèo) thì lại không tham gia.

Bên cạnh đó, người lao động, công nhân lao động có việc làm cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động còn chưa được giải quyết (tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo).

TS. Minh Tiến cũng nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là theo đánh giá chung, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…

"Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, người công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh", TS. Vũ Minh Tiến nhận định.

TS. Vũ Minh Tiến cho biết, hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng phải rút BHXH một lần vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Đồng thời cũng vì lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau.

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: tienphong.vn)

TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: tienphong.vn)

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, dịch bệnh COVID-19 hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho người lao động. Trong đó, rất nhiều người mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm gây khó khăn về kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động rút BHXH một lần.

Thông tin được PGS.TS Giang Thanh Long chia sẻ cho thấy, qua khảo sát độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây có 4,8 triệu người rút một lần.

Năm 2021 qua khảo sát nhóm người 30 đến 40 tuổi - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong dân số Việt Nam và cũng là nhóm người lao động chính thì chỉ 15% số người được khảo sát có tiết kiệm, sau dịch COVID-19 tại TP.HCM, hầu như đã tiêu hết phần tiền tiết kiệm; có 22% đang có một khoản đầu tư và thu nhập chủ yếu dựa vào tiền công, tiền lương.

Tuy nhiên, bất kỳ cú sốc nào về mất việc làm cũng sẽ mất thu nhập, dẫn đến mất rất nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, sau cú sốc COVID-19, có 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm 20 đến 30% so với trước dịch.

Về việc người lao động rút BHXH một lần, theo PGS.TS Giang Thanh Long, đây chỉ là một hiện tượng sau khi trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc. Còn vấn đề người lao động tham gia BHXH còn hạn chế là do bất cập giữa “cung và cầu”, bởi hiện nay ở nước ta đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến tương lai người lao động.

Bên cạnh đó, vấn đề mức lương đóng BHXH cũng đang là một vấn đề cần quan tâm và thanh tra, giám sát chặt chẽ bởi hiện nay mức đóng BHXH đang là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Đa số doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức lương mà thấp hơn rất nhiều.

Cần sớm tăng lương tối thiểu vùng

Liên quan giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH và hạn chế rút BHXH một lần, PGS.TS Giang Thanh Long cho rằng, cần tuyên truyền, phân tích để người lao động hiểu rõ về mức đóng và thụ hưởng bảo hiểm sau này, không nên vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích trong tương lai.

Điều rất quan trọng là cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động.

PGS.TS Giang Thanh Long nêu dẫn chứng một số nước Châu Phi cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, bố mẹ trẻ sẽ có nguồn lực để tham gia BHXH. Hay như Thái Lan hiện cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ em, đảm bảo vấn đề nuôi con cái trong thời gian đầu, để bố mẹ trẻ có thu nhập thấp có thể tham gia BHXH.

“Việc rút bảo hiểm một lần là quyền của người lao động nhưng tuyên truyền để người lao động hiểu là khi rút 1 lần thì gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai, bởi khi rút ra thì không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không còn được đảm bảo. Đề xuất phải cố gắng chuyển từ bảo trợ xã hội sang BHXH, ngay từ khi còn trẻ phải được tham gia BHXH để tích lũy cho chính mình và sau này tránh phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người khác”, PGS.TS Giang Thanh Long nói.

PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: tienphong.vn)

PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: tienphong.vn)

Nhằm giúp lao động bớt khó khăn, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, cần chủ động giám sát về thực hiện các chế độ chính sách về lao động, bảo hiểm, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên người lao động.

Tổ chức Tài chính vi mô CEP cần xây dựng các sản phẩm tài chính phù hợp, chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, đa dạng mở thêm các gói sản phẩm mới với mức vay ít (10-20 triệu đồng), thủ tục đơn giản, tăng cường phát vay hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen.

Đồng thời, Liên đoàn Lao động TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022, chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE